Dân Việt

TP.HCM báo cáo Quốc hội 3 khó khăn về dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng

Xuân Huy 01/10/2024 19:12 GMT+7
UBND TP.HCM nêu 3 khó khăn về dự án Giải quyết ngập do triều để gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét. Do đó, thành phố đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về vướng mắc và phương án giải quyết khó khăn đang gặp của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Đây là dự án nhóm A với hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách TP.

Dự án này giúp kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Dự án có năng lực chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch, nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị. Bên cạnh đó là hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường, góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước.

TP.HCM báo cáo Quốc hội 3 khó khăn về dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

TP.HCM báo cáo Quốc hội 3 khó khăn về dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo UBND TP.HCM, hiện nay có ba khó khăn chính mà dự án vướng phải gồm: Không có vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. 

Nguyên nhân là dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư với phương thức đối tác công tư; nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội và nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ.

TP.HCM đã có tờ trình Thủ tướng về các vướng mắc này và đề xuất các phương án tháo gỡ. Do đó, thành phố đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.

Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nghị quyết số 40 năm 2021 của Chính phủ.

Đây chính là cơ sở để thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành. Có như vậy mới giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình, và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.