Mới đây, đề xuất làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT đã mở ra hy vọng cho hàng triệu người dân vùng ven đang làm việc tại TP. Hà Nội, TP.HCM... về việc sinh sống ở quê, làm việc ở thành phố, "sáng đi tối về" dù nhà có cách công ty hàng trăm cây số.
Trong báo cáo tiền khả thi trình lên Quốc hội, tư vấn lập dự án đề xuất vận tốc thiết kế của các đoàn tàu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là 350 km/h (vận tốc khai thác 320 km/h). Tổng chiều dài tuyến đường là 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 23 nhà ga và 20 tỉnh thành.
20 tỉnh thành bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Chị Hoàng Linh (30 tuổi), quê ở Thanh Hoá, hiện đang sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Nếu hoàn thành xong tuyển đường sắt cao tốc này, có khi tôi lại không cần phải thuê nhà ở Hà Nội nữa, sáng tôi đi làm, tối tôi lại về quê, giảm được biết bao chi phí phát sinh".
Anh Lưu Viết Duy (35 tuổi) sống tại huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ, cứ tưởng tượng đến viễn cảnh 6 giờ dậy ăn sáng ở Hà Nội rồi ra ga Ngọc Hồi để vào Sài Gòn thăm người thân, chỉ tới trưa là đã tới TP.HCM rồi chiều tối vòng ra Hà Nội nghỉ ngơi để hôm sau đi làm thực sự rất phấn khích.
Điều mà cả chị Linh, anh Duy băn khoăn là liệu khi dự án đường sắt tốc độ cao được triển khai thì giá nhà ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có giảm hay không.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, khi phương án đường sắt Bắc - Nam này thi công thì toàn nền kinh tế trong nước đều hưởng lợi chứ không chỉ riêng bất động sản.
Nói riêng về nhóm ngành bất động sản, ông Đính cho rằng việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán cung - cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM.
Chủ đề nóng hiện nay đang xoay quanh việc nguồn cung dự án bất động sản cho người có thu nhập thấp thì ít mà cầu thì nhiều. Phần lớn những người có thu nhập thấp này là người dân đến từ các tỉnh, thành phố ven Hà Nội như: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá,...
Tuy nhiên, nếu tuyến đường này đi vào hoạt động, thì khả năng những người đang học tập và làm việc tại Hà Nội có quê cách thành phố khoảng 100 - 200 km cũng sẽ "sáng đi tối về". Khi cầu giảm sẽ tạo điều kiện để giá mua, thuê nhà tại các thành phố lớn sẽ đứng lại, không còn tình trạng nóng bỏng như hiện nay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu, từ khi bắt đầu khởi công dự án, giá trị quỹ đất sẽ gia tăng mạnh dọc theo tuyến đường cao tốc, thậm chí tập trung ở xung quanh các nhà ga và vùng lân cận. Sự tăng giá nhanh chóng của bất động sản có thể thu hút các nhà đầu cơ, đẩy giá lên cao một cách phi lý và tạo ra bong bóng bất động sản.
Người dân tập trung vào khu vực xung quanh ga sẽ khiến số lượng dân cư gia tăng nhanh, Điều này kéo theo nhu cầu nhiều hơn nên sẽ có thể đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ lên cao, gây khó khăn cho người dân có thu nhập thấp.
Lấy ví dụ như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Yên Nghĩa tại TP. Hà Nội đi vào hoạt động hồi tháng 11/2021, các phân khúc trong bán kính 500 m so với các nhà ga đã tăng trên 40% trong vòng 1 năm. Đồng thời, giá căn hộ xung quanh cũng cao hơn 5 - 15% so với mức tăng giá chung của thị trường.
Chính vì vậy, theo ông Lực, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ làm tăng giá trị bất động sản dọc theo lộ trình của nó nên việc giảm giá mua, thuê nhà ở trung tâm các thành phố lớn có thể sẽ giảm và còn nhiều tác động tiêu cực khác đi kèm.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property Vietnam) đánh giá, không rõ trong dài hạn thì giá nhà có giảm được hay không nhưng trong trung hạn thì dù tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam này có hoạt động thì giá nhà tại 2 thành phố lớn sẽ khó giảm.
Theo ông Toản, thường người dân sẽ có xu hướng di dân lên thành phố để học tập và làm việc vì nhu cầu về đời sống trên phố phát triển hơn, tiện ích hơn. Số ít người dân vẫn có thể sẽ đi đi về về nhưng đó chỉ là những người chưa lập gia đình. Cũng cần tính toán thêm đến các yếu tố về thời gian trung chuyển, chi phí đi lại...