Dân Việt

"Kho vàng" trên biển Khánh Hòa: Hướng đến mục tiêu lọt top 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước (Bài cuối)

Công Tâm 09/10/2024 15:05 GMT+7
Với nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để lọt top 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước.

Nuôi biển, "kho vàng" ở Khánh Hòa

Khánh Hòa là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực thủy sản, với diện tích tự nhiên 5.217,6km2, 385km đường bờ biển, hơn 200 đảo lớn nhỏ; khu vực ven bờ có 2 đầm và 3 vịnh nước sâu có giá trị lớn về mặt kinh tế, quốc phòng gồm: Vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu, đầm Thuỷ Triều.

Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh là những vịnh nước sâu, kín gió, kín sóng, lại được núi cao che chắn nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển và phát triển hậu cần nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Khu vực biển ven bờ, khu vực cửa sông với các đầm, vịnh thuận lợi cho nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Trong những năm qua, các ngành kinh tế biển ở Khánh Hòa đã phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Người dân Khánh Hòa đang xuất bán cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Khánh Hoà có Trường Đại học Nha Trang và nhiều viện nghiên cứu, là điều kiện để phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học để chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trình độ, tay nghề và kinh nghiệm của người lao động trong nông nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa khá cao, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chế biến thuỷ sản.

Toàn tỉnh có 3.190 tàu cá, trong đó có 657 tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 98.000 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm của tỉnh khoảng 4.000 ha với sản lượng đạt trên 18.000 tấn.

Khánh Hoà có thế mạnh về chế biến xuất khẩu thuỷ sản với 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty CBXK F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh,… các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Sản phẩm cá ngừ đại dương giúp cho ngư dân có thu nhập và tạo công ăn việc làm

Nhằm phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế; về tài nguyên biển, đảo; tài nguyên văn hoá, con người… cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển nhằm đạt được mục tiêu mà Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tập trung chỉ đạo khai thác nguồn lực và phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa. 

Trong đó, ngành thủy sản phát triển đa dạng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm từ 35 – 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh, đưa Khánh Hòa trở thành một trong 5 tỉnh xuất khẩu thủy sản mạnh của cả nước.

Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho lao động ở địa phương

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương ven biển. Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người lao động vùng biển và hải đảo hoạt động nuôi trồng thủy sản đã đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 3.

Người dân nuôi cá bớp trên vùng biển vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa.

Ông Quang cho hay, thông qua công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công tác khuyến ngư, nhiều mô hình nuôi biển công nghệ cao đã được ứng dụng trên địa bàn tỉnh như: Lồng nuôi bằng vật liệu nhựa HDPE, máy đo môi trường tự động, máy cho ăn tự động, vệ sinh đầu dò tự động, hệ thống camera giám sát trong lồng nuôi,... đã giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế được rủi ro trong quá trình nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu vào sản xuất như: Tôm sú, cá mú, cá chẽm, rong sụn, ngọc trai, vẹm xanh, tu hài, ốc hương, cá chim vây vàng…, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh; chủ động sản xuất được giống nhân tạo tôm sú, bào ngư, sò huyết, ốc hương, tu hài, cá chim vây vàng.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 4.

Khánh Hòa rất có tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, tại tỉnh Khánh Hoà, một số doanh nghiệp, đơn vị đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Công ty Cổ phần NTTS Phương Minh. 

Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam được đầu tư, ứng dụng rất hiệu quả công nghệ lồng nuôi của Na Uy và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như vận hành hệ thống cho cá ăn tự động, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 5.

Nhiều hộ trên địa bàn Khánh Hòa nuôi cá, tôm hùm trong lồng HDPE.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Khánh Hòa, tỉnh đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa" với mục tiêu phát triển nuôi biển tỉnh theo hướng tăng năng suất, giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội, hướng tới xuất khẩu thuỷ sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Trong năm 2023, Sở NNPTNT đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn VinGroup) và UBND TP. Cam Ranh xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập.

 Sau 1 năm triển khai, mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã thành công so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh khả năng chịu được sóng gió, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; các lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều mang lại hiệu quả cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172% đối với mô hình nuôi cá bớp, đạt 112% đối với mô hình nuôi tôm hùm và đạt 131,4% đối với mô hình nuôi cá mú. Đây là cơ sở, tiền đề để quảng bá, nhân rộng phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại TP. Cam Ranh là cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thuỷ sản.

Với mục tiêu phát triển nuôi biển tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ nuôi nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng; vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái, vừa gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và của tỉnh Khánh Hòa. 

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 6.

Cá bớp là một trong những đối tượng để phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Ông Hà Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, Cam Ranh là thành phố cửa ngõ phía Nam của tỉnh Khánh Hòa, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, được xác định là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, là đô thị công nghiệp, dịch vụ - du lịch, hậu cần nghề cá, có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực phía Nam của tỉnh Khánh Hòa, Bắc tỉnh Ninh Thuận và Đông tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, Cam Ranh là vùng biển có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển, có đảo Bình Ba, Bình Hưng - xã Cam Bình, bán đảo Cam Lập - xã Cam Lập với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản lồng bè nổi bậc tôm hùm, cá bớp, cá mú, cá chim mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Ân khẳng định, trên địa bàn thành phố có các hoạt động dịch vụ cảng biển, các ngành công nghiệp ven biển và chế biến thủy sản đã thu hút nhiều lực lượng lao động trong độ tuổi, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập quan trọng cho người dân.

Trong thời gian tới, sẽ huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thông suốt.

Phối hợp hoàn thành hiệu quả các dự án trọng điểm qua địa bàn thành phố như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt kết nối Cảng Cam Ranh, các dự án hạ tầng giao thông vận tải, đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông thông minh tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.

kỳ cuối: Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế biển ở Khánh Hòa - Ảnh 7.

Nghề nuôi trồng thủy sản tạo điều kiện cho người dân có thêm công ăn việc làm, người dân làm đan lưới cho tôm hùm phục vụ trên biển.

Đồng thời, xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch thành phố Cam Ranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một cách hiệu quả nhằm phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư hạ tầng du lịch – logistics, hình thành các khu, điểm du lịch, tuyến du lịch kết nối với các địa phương lân cận tạo thành chuỗi liên kết cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng cao thu hút du khách.

Bên cạnh đó, sẽ định hướng, tập trung thực hiện chuyển đổi từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. 

Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Đầu tư, nâng cấp, sử dụng có hiệu quả các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá.