Dân Việt

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội cho bất động sản?

Phương Thảo 04/10/2024 08:13 GMT+7
Theo các chuyên gia, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được triển khai sẽ tạo động lực lớn cho thị trường địa ốc, giúp cân bằng cung cầu về nhà ở, hạn chế đà tăng giá bất động sản tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM...

Trong cuộc trao đổi với báo chí về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: "Dự án tạo động lực, cú hích phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp, vật liệu xây dựng, du lịch, thương mại, giảm phát thải, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 tỉnh, Thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm của TP. Hồ Chí Minh. Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia đã có đường sắt tốc độ cao, những khu vực quanh các nhà ga đều có những bước phát triển đột phá về hạ tầng và kinh tế xã hội, đặc biệt là mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (hay còn gọi là mô hình TOD).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội gì cho bất động sản?  - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội gì cho bất động sản?. Ảnh minh hoạ

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chìa khóa để phân tán dân cư và điều tiết thị trường bất động sản

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ: Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ hình thành các đại đô thị dọc trục đường.

"Bài toán đặt ra ở đây là: Liệu 20 nhà ga được bố trí như trong dự thảo đã phù hợp để có thể giãn mật độ dân số ở các thành phố lớn chưa? Nếu giải được bài toán trên thì sẽ không còn xuất hiện việc dân số tập trung phần lớn ở 2 siêu đô thị là Hà Nội và TP.HCM nữa", ông Võ nói.

Theo ông Võ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tán dân cư, giảm áp lực lên các đô thị lớn và thúc đẩy sự hình thành các đô thị mới hiện đại.

Ông Võ lấy ví dụ về nước Đức, tại đất nước này, khẩu hiệu của họ là "đi xe 10 phút chạm vào 1 đô thị". Chính khẩu hiệu này đã tạo nên 1 đất nước phát triển, nguồn cung - cầu nhà ở, thương mại không còn bị chênh lệch mà được trải đều trên khắp cả nước. Đây là điều mà Việt Nam đáng học tập để phát triển dọc theo tuyến đường này.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội gì cho bất động sản?  - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều nếu thực dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Gia Linh

Theo một số chuyên gia, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà ở cao. Nhưng, phần lớn người dân đang sở hữu nhà ở tại quê hương, khá xa nơi làm việc, dẫn đến tình trạng phải thuê nhà. Nếu tuyến đường sắt tốc độ cao được triển khai, sớm đi vào hoạt động, người dân thấy thuận tiện, có thể họ sẽ đi về giữa phố và quê.

Điều này sẽ khiến cung và cầu được dung hòa và có khả năng giá mua và thuê nhà ở 2 siêu đô thị tại Việt Nam sẽ có phần hạ nhiệt.

Theo ông Võ, đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng ở việc sẽ giải quyết được bài toán cung - cầu về nhà ở hay chặn đà tăng của giá nhà hiện nay mà trong tương lai, giá bất động sản quanh khu vực 20 nhà ga sẽ tăng lên trông thấy nhưng việc tăng giá này theo ông Võ sẽ được bám chặt vào các chính sách và điều luật mới của Chính phủ và khó gây ra tình trạng "giá ảo".

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam liệu có thật sự tạo cú hích cho thị trường bất động sản và nền kinh tế?

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, bất động sản là lĩnh vực đầu tàu, nếu lĩnh vực này cải thiện và phát triển sẽ kéo được hàng loạt ngành nghề khác cùng phát triển.

Theo ông Hiếu, tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 - 1,4, tức là 1% tăng trưởng bất động sản sẽ tạo ra 1,3 - 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. Để dễ hình dung, ông Hiếu ví bất động sản như đầu kéo của một đoàn tàu. Đầu kéo khựng lại thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa và ngược lại.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội gì cho bất động sản?  - Ảnh 3.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam liệu sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế và thị trường bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Trước đó, tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã nhấn mạnh: "Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh".

“Ngành gắn bó nhất với bất động sản là xây dựng bị tác động mạnh nhất. Bất động sản thăng hoa thì hàng triệu người sẽ có việc làm trở lại, hàng loạt máy móc không bị "bỏ xó" và hàng trăm nghìn nhà máy sản xuất vật liệu cũng sẽ được vận hành liên tục", ông Hiếu cho biết.

Quay lại với vấn đề tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Hiếu cho rằng: Nếu thật sự đẩy nhanh tiến độ thì với đà này chỉ mất khoảng 5 - 10 năm là có thể hoạt động thử nghiệm.

Lý giải điều này, ông cho biết: Rút ra từ bài học về tuyến đường nội đô trên cao như Cát Linh, Nhổn, thời gian hoàn thiện đều dài hơn so với dự tính vì hầu hết đều tập trung và trông chờ vào 1 nhà thầu Trung Quốc. Từ bài học này, ông đề xuất cần phải có sự hợp tác quốc tế để có thể hoàn thiện cũng như gỡ rối những vấn đề phát sinh khi thi công siêu dự án này.

Thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng của các khu vực quanh các ga tàu, đồng thời góp phần ổn định giá nhà và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của dự án, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để quản lý thị trường bất động sản và đảm bảo sự phát triển bền vững.