Dân Việt

Đây là loại gạo đặc sản ở Điện Biên, hễ ai nhìn thấy là muốn mua về nấu cơm ngon

Vinh Duy 05/10/2024 18:50 GMT+7
Gạo Điện Biên từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc, gắn liền với hình ảnh của cánh đồng Mường Thanh rộng lớn. Để giới thiệu gạo Điện Biên đến mọi người, chị Trần Thị Hương Quế, Giám đốc HTX Tâm Thiện, ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đang có hướng đi cho riêng mình.

Xây dựng thương hiệu gạo Tâm Thiện

Rời quê lúa Thái Bình, chị Trần Thị Hương Quế lên mảnh đất Điện Biên lập nghiệp. Thời gian đầu mới lên, chị Quế còn phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Sau nhiều năm vất vả với đủ các nghề, chị Quế quyết định rẽ hướng làm ăn, bước chân vào nghề buôn bán gạo. "Ban đầu chỉ buôn bán nhỏ lẻ, nhưng tôi thấy gạo Điện Biên thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Nhưng cái thiếu của những người buôn bán gạo Điện Biên là làm ra sản phẩm gạo chất lượng cao", chị Quế chia sẻ.

Hành trình vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên của HTX Tâm Thiện - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Hương Quế, Giám đốc HTX Tâm Thiện, ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã thành công xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.

Từ những ngày đầu bước chân vào nghề buôn gạo, chị Quế đã sớm nhận ra rằng ngành nông sản không chỉ đơn thuần là kinh doanh theo cách truyền thống mà cần phải có chiến lược tiếp cận thị trường thông minh. Để làm được điều này, chị dành nhiều thời gian nghiên cứu về các nhu cầu của thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng đến chất lượng sản phẩm. Chị nhanh chóng nhận ra xu hướng tiêu thụ ngày càng hướng tới các sản phẩm nông sản sạch, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.

Với sự nhạy bén và lòng quyết tâm, chị nhanh chóng nắm bắt thị trường và mở rộng quy mô kinh doanh. Từ năm 2016, chị Quế đã đầu tư, sản xuất gạo chất lượng cao để bán ra thị trường. Nhưng làm ăn nhỏ lẻ, không đem lại hiệu quả kinh tế cao, cũng không tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo chị Quế thì mình làm ăn nhỏ, không xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Vì thế chị bàn với chồng vay mượn ngân hàng để có nguồn vốn, đầu tư, mở rộng sản xuất.

Đầu năm 2020, chị Quế chính thức thành lập HTX Tâm Thiện, chuyên thu mua lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao. Sản phẩm của HTX sản xuất được người tiêu dùng đánh giá chất lượng cao. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", giữa lúc bắt đầu phát triển được thương hiệu thì sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 vào năm 2021-2022 đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho HTX. Khi các nhà hàng và khách sạn đóng cửa, lượng tiêu thụ gạo giảm mạnh, khiến chị đối diện với tình cảnh thua lỗ. Theo chị Quế thì lúc đầu chị đã mua thóc nếp với giá 18 nghìn đồng/kg, nhưng do dịch bệnh, khách hàng không sử dụng, chị đành bán rẻ với 11 nghìn đồng/kg, để thu hồi vốn. Trong 2 năm 2021 – 2022 HTX của chị Quế đã thua lỗ gần 10 tỷ đồng.

Hành trình vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên của HTX Tâm Thiện - Ảnh 2.

Vượt qua khó khăn, thất bại, chị Quế đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên. Ảnh Vinh Duy.

Mặc dù đối mặt với những tổn thất lớn, chị Quế không hề nản lòng. Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, từ năm 2023, chị quyết tâm phục hồi và mở rộng sản xuất. Mỗi năm, HTX của chị thu mua trên 15 nghìn tấn thóc, tạo ra sản lượng gạo dồi dào cho thị trường. Không những vậy, chị còn mang về lợi nhuận trên 3 tỷ đồng mỗi năm. HTX cũng giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương, với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Vượt qua khó khăn, giới thiệu gạo Điện Biên đến mọi miền đất nước

Chị Quế không chỉ tập trung vào thu mua mà còn hướng tới xây dựng thương hiệu gạo riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Để làm được điều này, chị không ngừng đầu tư vào các máy móc hiện đại, ứng dụng các quy trình chế biến tiên tiến nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của gạo và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những bước đi này đã giúp sản phẩm gạo của HTX chị Quế ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao.

Hành trình vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên của HTX Tâm Thiện - Ảnh 3.

Sản phẩm gạo nếp nương của HTX Tâm Thiện đạt chuẩn OCOP 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh Vinh Duy.

Theo chị Quế, để xây dựng được thương hiệu gạo Tâm Thiện như ngày hôm nay, chị đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu quy trình sản xuất gạo. "Muốn gạo ngon thì ngay từ khâu nhập lúa, sơ chế lúa cũng đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì thế tôi đầu tư lò sấy lúa, đảm bảo theo tiêu chuẩn. Hệ thống máy xay xát cũng được đầu tư, đảm bảo gạo xát ra không bị gãy, thơm ngon…", chị Quế chia sẻ thêm.

Để thương hiệu gạo của HTX Tâm Thiện khẳng định được vị thế trên thị trường, chị Quế còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng thương hiệu gạo riêng của HTX. Theo chị Quế, sản phẩm không chỉ cần chất lượng mà còn phải có thương hiệu mạnh để có thể cạnh tranh với các thương hiệu gạo khác trên cả nước. Hiện tại, chị đang đầu tư phát triển các dòng sản phẩm gạo đa dạng, từ gạo nếp đặc sản đến gạo trắng cao cấp, nhằm đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Điều này đã giúp HTX của chị từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ với phóng viên về quá trình xây dựng thương hiệu gạo của HTX Tâm Thiện, chị Quế cho biết: "Trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo, tôi đã nghiên cứu để đưa ra một quy trình sản xuất khép kín. Từ khâu thu mua thóc, xay xát đến đóng gói. Các thiết bị đóng gói hiện đại mà tôi đã đầu tư cho phép sản phẩm gạo được bảo quản tốt hơn, tránh ẩm mốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ giúp sản phẩm gạo của HTX đạt được các tiêu chuẩn cao mà còn nâng tầm giá trị thương hiệu, từ đó thu hút được nhiều khách hàng và đối tác lớn".

Hành trình vượt qua khó khăn, xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên của HTX Tâm Thiện - Ảnh 4.

Nhờ có sự đầu tư máy móc hiện đại, sản phẩm gạo của HTX được sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Ảnh Vinh Duy.

Đánh giá về hoạt động của HTX Tâm Thiện, ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: "Đây là HTX tiêu biểu của huyện Điện Biên. HTX Tâm Thiện không chỉ tạo việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng/người/tháng, HTX còn hỗ trợ người dân tiêu thụ thóc, lúa, giúp họ ổn định đầu ra. Về mặt sản xuất, HTX Tâm Thiện đã đầu tư máy móc và công nghệ xay xát hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm gạo. Đồng thời áp dụng quy trình sản xuất khép kín, từ khâu thu mua lúa đến chế biến và đóng gói. Nhờ đó, gạo Điện Biên của HTX Tâm Thiện không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn được phân phối rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước".

HTX gạo Tâm Thiện của chị Quế đã trở thành mô hình điểm về hiệu quả kinh tế và xây dựng thương hiệu. Đây là minh chứng sống động cho sự thành công của việc kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và hiện đại hóa, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân. Những đóng góp của HTX Tâm Thiện không chỉ giúp cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương mà còn góp phần đưa gạo Điện Biên vươn xa hơn, trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường.