Dân Việt

Loại cây tốt um tùm ra hoa quý giúp một HTX ở Sóc Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế

Nghĩa Lê 04/10/2024 18:50 GMT+7
Chị Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn (Hà Nội) nghiên cứu thành công 2 hợp chất Sexangularetin và Flavonoit Glycosit từ trà hoa vàng có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh như ung thư, đột quỵ...Nghiên cứu này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền...

Đất lành chim đậu, đất Sóc Sơn trồng cây dược liệu tốt

Trước đây, chị Nguyễn Thanh Tuyền chỉ là một dược sĩ chuyên nghiên cứu trong các khu bảo tồn và phát triển dược liệu. 

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn đã đến khi chị tình cờ biết đến loài cây "trà hoa vàng" – một loại dược liệu quý hiếm của Việt Nam với nhiều công dụng ngăn ngừa bệnh tật. Chị nhận ra rằng, trà hoa vàng không chỉ là cơ hội để bảo tồn một nguồn dược liệu quý, mà còn là con đường phát triển kinh tế bền vững mà chị luôn tìm kiếm.

Loài cây quý nào ở Sóc Sơn giúp hợp tác xã được cấp bằng sáng chế độc quyền - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn (thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt bên khu vườn trồng cây trà hoa vàng-cây dược liệu quý. Ảnh: Nghĩa Lê

Trà hoa vàng, loài thực vật quý hiếm chỉ mọc tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc (Tam Đảo) và Hòa Bình..., đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do việc thương lái Trung Quốc thu mua với số lượng lớn, gây cạn kiệt nguồn cung. 

Trước tình hình này, chị Nguyễn Thanh Tuyền cùng nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng tìm kiếm vùng đất phù hợp để bảo tồn và phát triển loài cây này. 

Cuối cùng, Sóc Sơn đã trở thành điểm đến lý tưởng để chị khởi nghiệp. Với dược tính vượt trội trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý, đặc biệt là ung thư, trà hoa vàng từ lâu đã được các chuyên gia y học cổ truyền đánh giá cao. Nhờ tầm nhìn xa và lòng nhiệt huyết, chị Tuyền nhận ra tiềm năng to lớn của loài cây này trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Loài cây quý nào ở Sóc Sơn giúp hợp tác xã được cấp bằng sáng chế độc quyền - Ảnh 3.

Các sản phẩm từ trà hoa vàng mang lại giá trị sức khoẻ to lớn cho xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, từ năm 2014, chị Tuyền cùng các thành viên Hội Nghiên cứu Trồng, Bảo tồn và Phát triển cây Dược liệu Việt Nam đã bắt đầu hành trình xây dựng vườn dược liệu hữu cơ tại thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. 

Chị đối mặt với không ít thách thức khi người dân địa phương vốn quen trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, khoai, sắn để kiếm sống, và việc thuyết phục họ chuyển sang trồng cây dược liệu là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, việc chị không phải người địa phương cũng khiến quá trình xây dựng lòng tin với bà con trở nên khó khăn hơn.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, chị Tuyền chia sẻ: "Tôi đã nghiên cứu kỹ về thời tiết, độ ẩm và thổ nhưỡng ở nhiều nơi trước khi quyết định phát triển vườn dược liệu. Dù núi đồi có ở khắp nơi, nhưng không phải vùng nào cây dược liệu cũng phát triển tốt....".

"Sau nhiều khảo sát, tôi nhận thấy vùng núi Bắc Sơn, thuộc hệ thống núi Tam Đảo, có điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn. Nhờ có sự hỗ trợ của đồng chí Hoàng Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Sóc Sơn, tôi đã làm việc với chính quyền địa phương và thuyết phục bà con cùng chung tay phát triển vườn dược liệu...", chị Tuyền bổ sung thêm.

Nhờ sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Tuyền đã thành công trong việc biến vùng đất cằn cỗi này thành một khu vườn xanh mướt, phủ đầy các loài dược liệu quý hiếm. Không chỉ giúp bảo tồn và nhân rộng các loài dược liệu, việc trồng cây còn góp phần bảo vệ và tăng cường hệ sinh thái, giữ cho môi trường xanh, sạch và bền vững. 

Chị tự tin chia sẻ: "Kể từ khi chúng tôi bắt đầu trồng cây dược liệu ở đây, hệ sinh thái của vùng Bắc Sơn trở nên vững chắc hơn. Gần như không còn tình trạng sạt lở, khí hậu trong lành, môi trường ngày càng cải thiện."

Đến nay, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn đã mở rộng diện tích lên hơn 30ha, trồng khoảng 100 loài dược liệu quý, trong đó có: Thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ và đặc biệt là trà hoa vàng – loài cây chủ lực với diện tích 7ha và hơn 26 chủng loại. 

Từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, khu vườn dược liệu của chị Tuyền đã phát triển thành Hợp tác xã với mục tiêu xây dựng thương hiệu dược liệu đặc trưng và phát triển bền vững cho địa phương.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn do Hội Nông dân huyện Sóc Sơn tư vấn thành lập và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn HTX tiêu biểu toàn quốc 2024.

Trồng trà hoa vàng hữu cơ làm ra sản phẩm dược liệu tốt

Theo chị Tuyền, con đường nông nghiệp là một con đường khó khăn, bấp bênh thường xuyên đối mặt với rủi ro bởi không phải lúc nào thiên nhiên cũng "chiều lòng người". Không phải ai cũng đủ sức kiên trì, nhẫn nại để theo tới cùng, nhất là con đường dược liệu vì để trồng một cây dược liệu tốn rất nhiều thời gian và công sức chăm tuy nhiên lại mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

"Nhưng không phải ai cũng có thể "giữ cái đầu lạnh" để đi theo con đường này nên người nông dân thường chọn các loại nông sản nhanh, gọn, thu nhập ngay để nhắm vào những lợi trước mắt" chị Tuyền khẳng định với Dân Việt.

"Với phương châm đã là dược liệu thì phải sạch mới có tác dụng chữa bệnh, phát triển vườn dược liệu theo hướng hữu cơ, đất được bón bằng phân vi sinh, phân trùn quế, nguồn nước tưới được dẫn từ trên núi xuống" Chị Nguyễn Thanh Tuyền đã không ngần ngại đầu tư hàng chục tỷ đồng lẫn tâm huyết để thuyết phục và hướng dẫn người dân thay đổi tư duy canh tác truyền thống, vốn đã ăn sâu vào thói quen của họ. Việc chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt với những nông dân còn nhiều bỡ ngỡ.

Trực tiếp "cầm tay chỉ việc," kiên trì cùng bà con trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu, bất kể trời nắng hay mưa, trải qua biết bao vất vả nhọc nhằn là cách làm chị Tuyền.

Loài cây quý nào ở Sóc Sơn giúp hợp tác xã được cấp bằng sáng chế độc quyền - Ảnh 4.

Kim chỉ nam của HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn là chuẩn hữu cơ mang lại những giá trị sạch cho cộng đồng. Ảnh: Nghĩa Lê

Sự nỗ lực không ngừng ấy đã được đền đáp khi vườn dược liệu ngày càng phát triển xanh tốt, đa dạng về loài cây và sản lượng. Niềm vui lớn nhất đến vào năm 2018, khi doanh thu của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn, đã vượt mốc 2 tỷ đồng. 

Thành công này không chỉ giúp hợp tác xã khẳng định vị thế mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, góp phần cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế vùng.

Mặc dù công nghệ và các công thức chế biến trà hoa vàng hiện tại vẫn chưa hoàn thiện để đạt được hiệu quả kinh tế tối ưu, nhưng chị Nguyễn Thanh Tuyền tự tin rằng đến năm 2025, khi mọi quy trình kiểm duyệt về công thức và chất lượng được hoàn tất, đó sẽ là thời điểm sản phẩm của chị thực sự bùng nổ. 

Chị tin tưởng rằng từ truyền thông, doanh thu cho đến thương hiệu, tất cả sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng sau những năm tháng nỗ lực không ngừng. Đây sẽ là lúc mà mọi cố gắng vun trồng của chị được đền đáp trọn vẹn.

Mảnh ghép định mệnh làm nên bước ngoặt cuộc đời

Kể từ khi biết đến loài cây "trà hoa vàng", cuộc đời chị Nguyễn Thanh Tuyền đã rẽ sang một trang mới. Từ một dược sĩ chuyên nghiên cứu, chị trở thành người cống hiến trọn vẹn cho ngành dược liệu Việt Nam, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn các giá trị y học tại Sóc Sơn. Trà hoa vàng không chỉ là động lực mà còn trở thành niềm đam mê sâu sắc trong sự nghiệp của chị.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, sau khi dày công nghiên cứu và phát hiện ra các hợp chất Sexangularetin và Flavonoit Glycosit chiết xuất từ lá và hoa cây trà hoa vàng (Camellia Hakodae), đã không chỉ đạt được bằng sáng chế độc quyền từ Cục Sở hữu Trí tuệ, mà còn mở ra một bước tiến quan trọng trong y học hiện đại. Hai hợp chất này không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, mà còn có nhiều công dụng quý giá khác. Sexangularetin giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm thiểu các triệu chứng suy giảm chức năng gan và cải thiện hệ miễn dịch. Trong khi đó, Flavonoit Glycosit đóng vai trò như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm cholesterol, ngăn ngừa quá trình lão hóa và duy trì vẻ đẹp da tự nhiên.

Quá trình nghiên cứu kéo dài hàng năm trời, với hàng trăm thử nghiệm, đánh giá và điều chỉnh, đã cho ra đời công thức chính xác nhất nhằm giữ nguyên vẹn dược tính của trà hoa vàng. Chị Tuyền đã đầu tư lớn vào việc hoàn thiện quy trình canh tác hữu cơ, đảm bảo rằng mỗi sản phẩm từ trà hoa vàng đều đạt chuẩn chất lượng cao nhất, từ khâu trồng trọt đến chế biến.

Nhờ bằng sáng chế độc quyền, chị Tuyền đã vươn tầm quốc tế, đưa sản phẩm trà hoa vàng của Hợp tác xã Sóc Sơn ra thị trường thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia có tiêu chuẩn kiểm định nghiêm ngặt như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Không chỉ dừng lại ở đây, chị còn dự định mở rộng quy mô sản xuất, đưa HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn trở thành một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực dược liệu hữu cơ. Những phát minh và bằng sáng chế của chị là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm dược liệu từ trà hoa vàng, mang lại những lợi ích bền vững cho cộng đồng. 

Các sản phẩm từ trà hoa vàng sẽ không chỉ giúp người tiêu dùng cải thiện sức khỏe mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa và y học truyền thống của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Loài cây quý nào ở Sóc Sơn giúp hợp tác xã được cấp bằng sáng chế độc quyền - Ảnh 5.

Bằng sáng chế độc quyền của HTX Dược liệu Sóc Sơn về chiết xuất tinh chất từ trà hoa vàng Hakodae. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều làm nên sự khác biệt của trà hoa vàng tại HTX Sóc Sơn không chỉ nằm ở quy trình canh tác bền vững, mà còn ở tâm huyết của những người lao động – những người đã biến mỗi sản phẩm thành niềm tự hào về nền y học cổ truyền của Việt Nam. 

Thành công của HTX không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế. Trà hoa vàng đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia đặc biệt là với nước Đức với nhu cầu cao về các sản phẩm dược liệu hữu cơ và tự nhiên. 

Loài cây quý nào ở Sóc Sơn giúp hợp tác xã được cấp bằng sáng chế độc quyền - Ảnh 6.

Đội ngũ đi theo năm tháng đồng hành cùng với chị Tuyền đang cật lực làm việc để trồng những cây trà hoa vàng vào vụ mới. Ảnh Nghĩa Lê

"Tôi mong Nhà nước hỗ trợ huyện Sóc Sơn trở thành khu vực chuyên canh trồng dược liệu. Đây là kiến nghị lớn nhất mà tôi mong muốn tại thời điểm này, nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái địa phương, đồng thời tạo nên thương hiệu đặc sản cho vùng đất Sóc Sơn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ," Giám đốc HTX chia sẻ

Và để phát triển, xuất khẩu sang nước Đức, chị Tuyền tâm sự với báo Dân Việt: "Để xuất khẩu được sang nước ngoài và đáp ứng đủ nhu cầu của họ chị có mong ước rằng không chỉ dừng lại ở diện tích 30ha hiện tại mà chị muốn phát triển thành hàng trăm hecta, bên cạnh đấy là muốn huyện Sóc Sơn trở thành một vùng chuyên trồng cây dược liệu quý, đặc biệt là trà hoa vàng để kích cầu kinh tế mang lại thương hiệu quốc tế cho địa phương"

Hơn nữa, với tâm huyết và tầm nhìn xa, HTX của chị Tuyền không chỉ đang bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý giá của Việt Nam mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững, lớn mạnh cho Sóc Sơn. 

Những thành công ban đầu là nền móng vững chắc, minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không ngừng của chị và Hợp tác xã. Tương lai phía trước, với việc hoàn thiện các công nghệ chiết xuất, chế biến và sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, trà hoa vàng Sóc Sơn hứa hẹn sẽ vươn tầm quốc tế, mang lại không chỉ giá trị kinh tế mà còn nâng cao vị thế của dược liệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.

HTX tiêu biểu toàn quốc 2024

Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được thành lập vào ngày 05/04/2018

Số lượng thành viên 7, thành viên liên kết là 1.

Quy mô sản xuất vừa và lớn với tổng diện tích canh tác là 30ha. Vốn điều lệ: 7.500.000.000 đồng (Bảy tỷ năm trăm triệu đồng); Vốn huy động: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng)

Ngành nghề sản xuất, kinh doanh: Trồng cây dược liệu, hương liệu

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Hợp tác xã:

+ Trồng cây dược liệu, hương liệu hàng năm;

+ Sản xuất và kinh doanh giống cây dược liệu;

+ Nuôi ong;

+ Chế biến dược liệu;

+ Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực trồng trọt dược liệu; bảo tồn và phát triển các nguồn gen dược liệu;

+ Sản xuất xì dầu; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ong mật;