Đại diện Phúc Sinh Group cho biết, tập đoàn được giới thiệu đến quỹ DFCD sau một thời gian tìm hiểu và thảo luận. DFCD là một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan, được quản lý bởi Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Hà Lan (WWF-Hà Lan) và Quỹ Quản lý khí hậu (CFM).
DFCD tài trợ cho Phúc Sinh một khoản đầu tư không hoàn lại trị giá 575.000 Euro. Được biết đây là khoản tài trợ lớn nhất với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay mà tổ chức này dành cho một công ty tại Việt Nam.
Khoản tài trợ vốn không hoàn lại từ DFCD không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là sự công nhận từ một tổ chức Quốc tế đối với những nỗ lực của Phúc Sinh trong việc thực hiện các sáng kiến về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) và phát triển bền vững, cũng như đóng góp cho xã hội.
Chia sẻ tại buổi lễ kí kết, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, Phúc Sinh rất có "duyên" với đất nước Hà Lan từ nhiều năm nay. Mặc dù so với các nước châu Âu, Hà Lan không phải là đất nước lớn, nhưng các dự án quan trọng của Phúc Sinh đều bắt đầu từ Hà Lan.
"Lần đầu tiên là năm 2008, chúng tôi làm về phát triển bền vững với một công ty nhập khẩu rất phát triển của Hà Lan. Họ nói rằng, mong muốn của họ đến năm 2015, sản phẩm trên các kệ hàng của họ phải có chứng nhận và họ thuyết phục chúng tôi làm các chứng chỉ phát triển bền vững. Như vậy có nghĩa là Phúc Sinh đã bắt tay vào thực hiện phát triển bền vững từ cách đây 16 năm" - ông Thông nói.
"Vua tiêu" Phan Minh Thông cho biết, giai đoạn đó Phúc Sinh đã đầu tư rất nhiều tiền, khoảng 5 tỷ đồng và làm việc với hàng nghìn hộ nông dân, nhưng đến năm 2012 thì thất bại. Chúng tôi ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân và quyết tâm bắt tay làm lại, càng làm càng thấy hay và đến năm 2014 thì thành công. Phúc Sinh trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận Rainforest Alliance (RA).
Và đến nay, Phúc Sinh đã đạt được hơn 20 chứng chỉ liên quan đến phát triển bền vững với quy mô ngày càng lớn, ở những vùng nguyên liệu tại các tỉnh thành khác nhau như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Sơn La...
Các sáng kiến về ESG mà công ty triển khai đã được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức phi chính phủ ghi nhận.
Mới đây, vào giữa tháng 8/2024, Phúc Sinh cũng nhận một khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư & Green của Hà Lan để làm nông nghiệp bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc Phúc Sinh liên tiếp nhận được 2 khoản tài trợ lớn từ các quỹ quốc tế là một niềm tự hào lớn đối với công ty. Điều này không chỉ thể hiện sự đánh giá cao từ các tổ chức tài trợ uy tín ở châu Âu mà còn chứng minh sự minh bạch và định hướng kinh doanh bền vững mà Phúc Sinh đã kiên định theo đuổi.
Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết, số tiền tài trợ từ DFCD sẽ giúp Phúc Sinh tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng (non-deforestation) và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là ở các nước tiên tiến và khó tính như châu Âu.
Đào tạo: Đầu tư vào các chương trình đào tạo mở rộng cho nông dân và cán bộ, nhân viên của Phúc Sinh, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất bền vững, cải thiện kỹ năng và nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn ESG cũng như bảo vệ môi trường.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc: Phúc Sinh sẽ xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sự minh bạch và tính toàn vẹn trong chuỗi cung ứng, giúp các sản phẩm có thể được truy xuất từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn tăng thêm niềm tin của đối tác và khách hàng vào sản phẩm của Phúc Sinh trên thị trường quốc tế.
Tuân thủ Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR): Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường và các công ty thu mua như không phá rừng, phát thải thấp, duy trì dòng chảy thương mại nông sản bền vững và đảm bảo sinh kế cho người trồng trọt.
Ông Phan Minh Thông chia sẻ: "Việc nhận khoản tài trợ từ DFCD không chỉ giúp Phúc Sinh đẩy mạnh các sáng kiến về ESG mà còn là sự khích lệ lớn cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc theo đuổi phát triển bền vững. Phúc Sinh hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về cà phê phát triển bền vững. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đặt trọng tâm vào việc mở rộng quy mô kinh doanh một cách bền vững, đồng thời giải quyết các thách thức về thích ứng khí hậu và quan tâm đến nhu cầu của các cộng đồng địa phương dễ bị tổn thương".
Sự công nhận từ các tổ chức quốc tế đã củng cố vị thế của Phúc Sinh trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp nông nghiệp khác. Đây chính là một điển hình để các doanh nghiệp khác trong ngành học hỏi và phấn đấu theo đuổi mô hình phát triển tương tự.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Albert Bokkestijn - Quản lý Dự án SNV-DFCD (Hà Lan) cho biết, ngày nay, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu cần chúng ta hành động khẩn cấp ở mọi cấp độ, ở cả khu vực công và tư. Các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam, nhất là ở Tây Nguyên, được biết là rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và những người nông dân sản xuất nhỏ hầu hết không chuẩn bị cho hậu quả. Việc thu hút trực tiếp nông dân tham gia sản xuất bền vững sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng cho Phúc Sinh và bằng cách tuân thủ các biện pháp quản lý theo yêu cầu của RA, sẽ tăng khả năng phục hồi của người nông dân trước khí hậu và thị trường.
"Phúc Sinh là công ty chế biến, kinh doanh cà phê và hạt tiêu tư nhân, nằm trong top 10 công ty xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Công ty đã dẫn đầu về chứng nhận RA tại Việt Nam và chiếm 30% tổng lượng cà phê xuất khẩu RFA từ Việt Nam. Do đó, DFCD tự hào hỗ trợ Phúc Sinh phát triển hơn nữa các nỗ lực kinh doanh của mình và đóng góp cho sự phát triển bền vững này" - ông Albert Bokkestijn nói.
Theo đó, DFCD tài trợ cho Phúc Sinh 75% trong tổng giá trị dự án 575.000 Euro, tương đương 431.250 Euro không hoàn lại, cùng với gói hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ Phúc Sinh triển khai các hoạt động chính.
“Các doanh nghiệp “đầu đàn” như Phúc Sinh có thể đóng vai trò là hình mẫu về thích ứng với khí hậu", đại diện DFCD nói.
Tiết lộ về cơ hội để nhận vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài uy tín, ông Phan Minh Thông cho rằng, cơ hội luôn hiện hữu. Để nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng hướng đi, tập trung vào sự minh bạch và phát triển bền vững.
"Các doanh nghiệp nào lấy phát triển bền vững làm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều khả năng thu hút được nguồn tài trợ không chỉ từ các quỹ thương mại mà còn từ các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt trong thời điểm ESG đang trở thành xu hướng trọng tâm của toàn cầu. Phúc Sinh tin rằng, nếu các doanh nghiệp khác có cùng tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững, họ cũng sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như DFCD hay các quỹ đầu tư khác" - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh khẳng định.
DFCD là sáng kiến của Chính phủ Hà Lan với ngân sách 160 triệu Euro nhằm tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực chính mà DFCD tập trung là nước sạch, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.