Nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung "Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam".
Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước và vấn đề nội địa hóa đang nhận được sự quan tâm lớn. Nắm bắt điều này, các hãng xe Trung Quốc hướng đến sản xuất và lắp ráp ngay tại lãnh thổ Việt Nam, từ đó nhận được nhiều ưu đãi, giúp đảm bảo giá thành sản phẩm đầu ra.
Vừa qua, Công ty cổ phần Tasco (Tasco) và Geely Auto Group (Geely) đã ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với BQL Khu Kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, việc liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu đôla Mỹ, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.
Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Năm 2023, Geely đã vượt mục tiêu doanh số với hơn 1,68 triệu xe bán ra, và chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, Geely đã đạt doanh số 1,31 triệu xe (bao gồm cả Zeekr và Ruilan), tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, hướng đến mục tiêu 2 triệu xe trong cả năm 2024 (chưa bao gồm doanh số của Volvo).
Bên cạnh nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, Tasco và Geely cũng sẽ hợp tác để kêu gọi các nhà đầu tư khác để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển ô tô R&D cho khu vực Đông Nam Á, thành lập trường Đại học đào tạo kỹ thuật ô tô, đầu tư sản xuất điện thoại thông minh phục vụ chuyên biệt cho việc kết nối ô tô-xe với con người tại Khu kinh tế Tiền Hải, Thái Bình.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu OMODA & JAECOO do Liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery quốc tế cũng sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2025.
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời cũng chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú, sẽ triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Tại thị trường Đông Nam Á, Malaysia và Việt Nam là hai điểm đến của Chery trong việc xây dựng chuỗi nhà máy toàn cầu. Đặc biệt, Chery xác định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất ô tô chủ lực của khu vực Đông Nam Á. Dự án hoạt động dự kiến sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại.
Trước đó, hồi tháng 5/2023, BYD đã dự kiến chi khoảng 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại Việt Nam. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Wang Chuanfu, Chủ tịch BYD cũng từng đưa ra mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn tất thủ tục đầu tư và bắt đầu đi vào sản xuất.
Đến khoảng cuối tháng 3/2024, BYD bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam vì có những sự thay đổi trong chiến lược và tình hình suy thoái chung của thị trường xe điện toàn cầu. Có lẽ BYD muốn nghiên kĩ lưỡng hơn thị trường trước khi bắt tay vào cuộc chơi lớn này.
Nhìn tổng thể, làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt đang rất mạnh mẽ. Không ít các hãng xe Trung Quốc từng thất bại vì nhiều lý do nhưng lần trở lại ồ ạt này cho thấy sự chuẩn bị và cách làm bài bản hơn, tập trung đầu tư mang tính lâu dài thay vì chỉ đơn giản thông qua các nhà phân phối.
Ở thị trường Việt, xe ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lớn, vì thế các hãng xe Trung Quốc muốn cạnh tranh không đơn thuần chỉ là bài toán giá thành, mẫu mã mà còn phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Điểm thuận lợi với các hãng xe Trung Quốc lúc này nằm ở chính sách của nước ta trong thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước và vấn đề nội địa hoá.
Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico… Và đây cũng là điểm hấp dẫn các hãng xe Trung Quốc đầu tư khủng xây nhà máy ở Việt Nam.