Số liệu báo cáo điều tra của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, tính đến hết năm 2023, tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 985 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 1.130,5 km (trong đó sạt lở bờ sông có 924 điểm, với chiều dài 900,7 km; bờ biển xuất hiện 61 điểm, chiều dài 229,8 km).
Đặc biệt trong tổng số các điểm sạt lở ở khu vực ĐBSCL, ngành chức năng xác định có 244 điểm, với chiều dài 409 km thuộc nhóm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thiết phải xây dựng các công trình để bảo vệ.
Tỉnh Cà Mau được đánh giá là tỉnh có mức độ sạt lở lớn nhất ĐBSCL, với 99 điểm, với tổng chiều dài là 175,5 km thuộc nhóm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (chiếm 43% tổng sạt lở đặc biệt nguy hiểm của đồng bằng). Trong đó sạt lở bờ biển có 18 điểm, với chiều dài là 97,45 km, chiếm 46% sạt lở bờ biển của toàn ĐBSCL.
Ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bật nhất cả nước. Cà Mau có 87 của biển, cửa sông thông ra biển, và có bờ biển dài 254 km/774 km chiều dài bờ biển ĐBSCL (chiếm 34% chiều dài đường bờ biển).
"Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng", ông Vũ nói và cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cà Mau có tổng chiều dài các đoạn bờ biển bị sạt lở khoảng 187/254 km chiều dài bờ biển của tỉnh.
Ngoài ra, theo khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đối với bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau, từ năm 1997 – 2017, ngoại trừ đoạn từ Đất Mũi đến Kênh Bảy Háp, còn lại tất cả đê và bờ biển Tây đều bị sạt lở, với 1.447ha đất rừng đã mất. Các đoạn sạt lở bờ biển đang ở mức độ nguy hiểm, cần có các giải pháp, công trình bảo vệ trong thời gian tới là 22 km.
Riêng đối với bờ biển Đông, theo tính toán của các nhà khoa học, do tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện tại (từ 45m đến 100m/năm) thì trong vài năm tiếp theo, nếu chúng ta không có giải pháp bảo vệ, sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền, uy hiếp các công trình hạ tầng bên trong.
"Khu vực biển Đông có các đoạn bờ biển đang bị sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm (tốc độ sạt lở bình quân từ 45m đến 50m/năm – PV), nên rất cần sớm có các giải pháp công trình bảo vệ phòng, chống sạt lở trong thời gian tới, với chiều dài là 61,85 km", Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, điều quan ngại nhất hiện nay là quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, làm cho đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy; sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Đáng nói là sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện ngay cả vào mùa khô trong thời điểm hiện tại.
Ông Trần Thanh Út – Giám Đốc Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển ở Cà Mau diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đối với bờ biển Tây, nhiều đoạn sạt lở mất hết rừng, do đó đê biển phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão.
"Nước biển nhiều lần tràn qua đê, xâm nhập vào vùng sản xuất ngọt và các công trình nhà ở của bà con sống ven đê, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân", ông Út nói.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đối với bờ biển Đông, tốc độ sạt lở còn nghiêm trọng hơn, gần như toàn bộ bờ biển đều bị sạt lở. Có những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như Vàng Lũng, Kiến Vàng, Hố Gùi…
Theo thống kê, trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL, Cà Mau là tỉnh có số điểm cũng như chiều dài sạt lở lớn nhất, kể cả bờ sông lẫn bờ biển. Đặc biệt, đối với bờ biển Cà Mau chiếm 35% chiều dài sạt lở so với toàn Đồng bằng, từ năm 2011 đến năm 2021, Cà Mau đã mất rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha.
Để chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở, trong những năm qua tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng 78 km kè biển, với tổng vốn đầu tư 2.779 tỷ đồng; và 9,2 km kè bờ sông, tổng vốn đầu tư 391 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xây dựng công trình chống sạt lở ở địa phương là còn rất bị động, manh mún, chưa huy động hết các nguồn lực của xã hội. Do đó, Cà Mau đã xây dựng "Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh".
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, Đề án trên của tỉnh đã lấy xong ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án này hơn 35 nghìn tỷ đồng", ông Vũ nói và cho biết, đề án là hết sức cần thiết, nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm tạo điều kiện ổn định để phát triển KT – XH khu vực ven biển, ven sông; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân…