Dân Việt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp trí thức kiều bào các nước khối Pháp ngữ

V.N 05/10/2024 16:21 GMT+7
Trí thức kiều bào các nước trong khối Pháp ngữ đã chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các ý kiến và gợi ý chính sách về các vấn đề như hợp tác đa phương trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo; sáng lập doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển...

Nhân chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp, sáng 5/10 (theo giờ địa phương), tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc trò chuyện thân mật với chuyên gia, trí thức kiều bào tiêu biểu ở các nước trong cộng đồng khối Pháp ngữ.

img

Tại buổi gặp, các trí thức kiều bào đã chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các ý kiến và gợi ý chính sách về các vấn đề như hợp tác đa phương trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo; sáng lập doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển; những thách thức lớn trong phát triển Internet vạn vật (IoT) để tạo ra tăng trưởng kinh tế; lợi ích của việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đối với tiềm năng của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu (AS), Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phương, kiều bào ở Luxembourg kiến nghị Chính phủ xem xét tăng cường hợp tác đa phương về công nghệ và trí tuệ nhân tạo với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ có điều kiện và nhu cầu tương tự như ở Việt Nam trong các ứng dụng như chuẩn đoán y tế, bệnh án hồ sơ, quản lý nông nghiệp thông minh, hay dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu.

Chia sẻ ý kiến về thúc đẩy tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp bền vững, Phó Giáo sư Thái Thị Thanh Mai, kiều bào ở Canada cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần chủ động bắt kịp xu thế toàn cầu trong việc chuẩn hóa yêu cầu bộ 3 tiêu chuẩn (môi trường, xã hội và quản trị) để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Phó Giáo sư Thái Thị Thanh Mai đề xuất bên cạnh việc tạo một khung pháp lý phù hợp, biện pháp rất quan trọng là cần có chính sách tích hợp giáo dục khởi nghiệp, chú trọng giáo dục khởi nghiệp cho các học sinh-sinh viên và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp và khối đào tạo để các em có điều kiện thực hành những kiến thức đã học.

Trao đổi về vấn đề phát triển Internet vạn vật (IoT) để tạo ra tăng trưởng kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Thành Long, kiều bào ở Bỉ cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong thị trường IoT; đến năm 2024, doanh thu dự kiến ước đạt 2,7 tỷ USD. Sự tăng trưởng này cho thấy việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ IoT trong nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Đối với việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Tiến sỹ Võ Cẩm Quy, kiều bào ở Thụy Sĩ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về giải pháp bảo mật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bởi đây là lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ xâm phạm dữ liệu cao nhất, chiếm khoảng 26% các vụ tấn công. Các ứng dụng thực tế của Blockchain sẽ giải quyết được vấn đề bảo mật trong lĩnh vực y tế. Theo dõi chuỗi cung ứng thuốc thông qua Blockchain giúp ngăn chặn hàng giả và bảo đảm tính minh bạch trong quá trình phân phối.

img

Lắng nghe các ý kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước của các trí thức kiều bào tại buổi gặp, nhấn mạnh những đóng góp của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho nước sở tại và quê hương Việt Nam là nguồn lực rất đáng quý

Chia sẻ với các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định những thành tựu mà Việt Nam đạt được, bên cạnh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, còn nhờ có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung dồn lực cho thời kỳ, cơ hội chiến lược quan trọng, "bứt tốc" để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để kiến tạo kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng trước tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ trí thức đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng trong công cuộc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước xác định rõ "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", kiều bào là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng mong muốn mong muốn trí thức kiều bào sẽ tiếp tục đem những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới về đất nước, đào tạo cho Việt Nam nhiều nhân tài hơn nữa; doanh nhân kiều bào sẽ đem nhiều sản phẩm Việt Nam đến thị trường quốc tế hơn nữa, thúc đẩy chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam; các văn nghệ sĩ góp phần bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong không gian Pháp ngữ, bên cạnh tiếng Pháp, góp phần thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.