Theo bà Zhdanova, trên thực tế, NATO từ lâu đã chuẩn bị cho khả năng tiềm ẩn xảy ra xung đột vũ trang với Nga. Bà Zhdanova cho rằng: “NATO đã phê duyệt các kế hoạch phòng thủ khu vực, xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các chỉ huy quân sự của khối và cũng đang thử nghiệm các tuyến đường hậu cần để chuyển quân và vũ khí qua Đại Tây Dương đến “sườn phía đông”. Ngoài ra, các kịch bản xung đột với Nga liên tục được tính toán - từ Bắc Cực đến Biển Đen".
“Đồng thời đang có những động thái hết sức khiêu khích được thực hiện ở hướng Ukraine- phạm vi cung cấp tên lửa đang đều đặn gia tăng, những phát ngôn khoa trương về khả năng gửi quân NATO tới Ukraine vẫn tiếp tục. “Trò chơi” này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến leo thang xung đột với hậu quả thảm khốc. Chúng tôi đang có những cảnh báo rõ ràng về điều này trên các diễn đàn ngoại giao quốc tế”, nhà ngoại giao nói thêm.
Trước đó ngày 5/10, kênh truyền hình Đức Welt đưa tin, NATO muốn thành lập thêm 49 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu, mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 quân, nâng tổng số lượng lên 131.
Welt trích dẫn cái gọi là "Yêu cầu về năng lực tối thiểu" (Minimum Capability Requirements, MCR) do Tướng Mỹ Christopher Cavoli và Đô đốc Pháp Pierre Vandier trình bày cho biết: “Mặc dù vào năm 2021, việc có 82 lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu được coi là đủ, nhưng trong tương lai số lượng của chúng sẽ tăng lên 131. Điều này có nghĩa là việc thành lập thêm 49 đơn vị, mà Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức) dự tính khoảng 5 nghìn quân nhân trong mỗi lữ đoàn. Để kiểm soát và hỗ trợ những đội quân này, số lượng quân đoàn chiến đấu nên tăng từ 6 lên 15, và sở chỉ huy sư đoàn - từ 24 lên 38". Cũng có thông tin cho rằng liên minh có kế hoạch tăng số lượng đơn vị phòng không lên 5 lần: từ 293 lên 1.467.
Welt cho biết thêm, liên minh giải thích sự cần thiết phải xây dựng sức mạnh quân sự trước mối đe dọa được cho là xuất phát từ Nga.
Gần đây, ý kiến về một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga ngày càng được lên tiếng ở phương Tây. Điện Kremlin lưu ý, Nga không gây ra mối đe dọa, không đe dọa bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây nguy hiểm cho lợi ích của mình. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Nga ghi nhận hoạt động chưa từng có của NATO gần biên giới phía Tây. Liên minh đang mở rộng các sáng kiến và gọi đó là “ngăn chặn sự xâm lược của Nga”. Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc xây dựng lực lượng liên minh ở châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với NATO nhưng trên cơ sở bình đẳng, trong khi phương Tây phải từ bỏ tiến trình quân sự hóa lục địa này.