Dân Việt

Nơi này ở Hải Phòng, bên sông Kinh Thầy phát lộ mộ cổ chôn theo la liệt đồ đồng Đông Sơn, đồ đồng Chiến Quốc

Cụm di tích chùa Linh Sơn; địa điểm khảo cổ mộ thuyền Việt Khê (một dạng mộ cổ) gồm 2 di tích là: Chùa Linh Sơn và địa điểm khảo cổ Việt Khê - nơi phát hiện loại hình di chỉ mộ táng có đồ tùy táng đầu tiên ở nước ta bên sông Kinh Thầy, thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Di tích lịch sử chùa Linh Sơn, địa danh khảo cổ mộ thuyền Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Chùa Linh Sơn theo dân gian trong vùng tương truyền rằng chùa được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ thứ XII) do nhà sư Đinh Dương Liễu hưng công xây dựng ở ven dòng sông Kinh Thầy. 

Trải qua thời gian, ngôi chùa cổ này xuống cấp hư hại, đến năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), năm Tự Đức thứ 3 (1850), năm Tự Đức thứ 27 (1874), năm Tự Đức thứ 31 (1878), năm Thành Thái thứ 3 (1891) chùa được tu sửa lại với quy mô lớn hơn. 

Đến năm 1929, do vị trí chùa ven sông Kinh Thầy thường xảy ra nạn trộm cướp nên vị sư trụ trì chùa là Pháp Hiển đã di chuyển chùa về vị trí hiện nay.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 1.

Chùa Linh Sơn bên dòng sông Kinh Thầy, thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng-nơi có di chỉ khảo cổ học mộ thuyền chôn theo đồ tùy táng với nhiều vật dùng bằng đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn của Việt Nam và đồ đồng thời kỳ Chiến quốc của Trung Quốc.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 2.

Một góc chùa Linh Sơn, thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Năm 2010 nhà sư Thích Quảng Thành vận động nhân dân thập phương công đức phục dựng lại chùa Linh Sơn với quy mô to lớn tạo thành một quần thể kiến trúc phân bố dọc theo độ cao của dãy núi Một.

Kiến trúc cảnh quan chùa Linh Sơn gồm: Tam quan, tòa bảo tháp quan âm, nhà tổ, vườn tháp, vườn bia, chùa Trung, nhà Mẫu, lầu chuông, Bảo tháp Bạch y. 

Chùa Linh Sơn từ xưa là một ngôi chùa thờ Phật theo phái Tịnh độ tông. 

Đây là một trong phái giáo Phật giáo kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian và giáo lý Phật giáo. Chùa được khai hội từ ngày 9 đến 11 tháng 3 âm lịch.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 3.

Địa điểm khảo cổ học Việt Khê: Là một di chỉ khảo cổ thuộc loại hình mộ táng.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 4.

Khu di tích khảo cổ Việt Khê thuộc loại hình mộ táng, các hiện vật cổ phát lộ tại mộ cổ này phần lớn là đồ đồng như rìu đồng, trống đồng, thạp đồng, đỉnh đồng, thố đồng, bình đồng, dao găm đồng, giáo đồng... có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ VI trước công nguyên.

Mộ cổ nằm dưới chân núi Một, gần bãi phù sa của dòng sông Kinh Thầy. Vào thời điểm phát hiện, các nhà khảo cổ học đã ghi chép về ngôi mộ như sau: Đây là một nhóm gồm 05 mộ nhưng chỉ có 01 ngôi mộ còn nguyên vẹn, còn lại đều bị thay đổi, vỡ…. 

Ngôi mộ cổ loại hình mộ thuyền còn nguyên vẹn là một thân cây lớn khoét rỗng giữa kiểu lòng máng thon về hai đầu. 

Trong mộ thuyền, mộ lớn nhất có gần 100 hiện vật cổ xưa, một mộ có một lưỡi rìu đồng, 3 mộ kia không có hiện vật gì. 

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 5.

Trong mộ ở phần đầu to của áo quan có các hiện vật cổ loại lớn như trống đồng (loại nhỏ), đỉnh đồng, thạp đồng, thố đồng, bình đồng…

Ở phần đầu nhỏ có rìu, đục, dao găm đồng… Phần giữa áo quan có chuông, khay, thố đồng và một mảnh da có sơn.

Ở bên mép ngoài áo quan có các loại giáo dài, ngắn, một bên đặt chèo gỗ… Đồ đồng trong mộ là đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn bản địa, một số đồ đồng mang dấu tích văn hóa ngoại lai thời Chiến Quốc (Trung Quốc).

Những hiện vật và mộ táng được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam bảo quản, phiên bản trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng, hiện đang trưng bày tại phòng thời kỳ Tiền sơ sử Hải Phòng. 

Theo các nhà khảo cổ học, các hiện vật này có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ VI trước công nguyên. Hiện nay, địa điểm nơi phát hiện mộ táng là một hồ nước tự nhiên, phía trên là cỏ mọc, vườn chuối của các hộ gia đình gần kề, phía mặt Nam là đường liên thôn.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 6.

Chùa Linh Sơn và địa danh khảo cổ mộ thuyền Việt Khê, thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2014.

Phát lộ la liệt hiện vật cổ bằng đồng kỳ lạ ở một làng bên sông Kinh Thầy, núi Một tại Hải Phòng- Ảnh 7.

Cụm di tích lịch sử chùa Linh Sơn và địa điểm khảo cổ mộ thuyền Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng được UBND TP Hải Phòng cấp bằng xếp hạng.