Dân Việt

Tướng Pháp tiết lộ 'điều bất ngờ' NATO dành cho Nga

V.N (Theo Politico, RN) 08/10/2024 15:49 GMT+7
Theo tạp chí Politico, năm 2025 sẽ là một thử thách quan trọng đối với quân đội Pháp khi nước này trở thành một lực lượng có khả năng đối đầu với Nga.
Tướng Pháp tiết lộ 'điều bất ngờ' NATO dành cho Nga - Ảnh 1.

Quân đội Pháp sẽ huấn luyện để gửi một lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu tới Romania trong 10 ngày tới. Ảnh: AFP.

Tháng 5/2005, binh lính Pháp sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Romania mang tên Mùa xuân Dacian 2025 nhằm đánh giá khả năng di chuyển nhanh chóng của họ tới sườn phía đông của NATO. Đó là năng lực then chốt nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tấn công một thành viên liên minh - tạp chí Politico cho biết.

"Chúng ta từng chơi trò chiến tranh. Bây giờ đã có một kẻ thù cụ thể và chúng tôi huấn luyện những người sẽ thực sự tham chiến" - người đứng đầu bộ chỉ huy lục quân của quân đội Pháp ở châu Âu, Tướng Bertrand Toujouse, nói với các phóng viên cuối tuần trước.

Ông nói thêm rằng các cuộc tập trận như Mùa xuân Dacian "là một tín hiệu chiến lược". Trong cuộc tập trận này, quân đội Pháp sẽ huấn luyện để gửi một lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu tới Romania trong 10 ngày. Mục tiêu tiếp theo là đến năm 2027, lực lượng này có thể triển khai một sư đoàn sẵn sàng chiến đấu trong 30 ngày, bao gồm cả đạn dược và vật tư. Một lữ đoàn có từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ, còn một sư đoàn có từ 10.000 đến 25.000 quân.

Trong vài năm qua, lực lượng trên bộ của Pháp đã bắt đầu "chuyển đổi sâu sắc" để sẵn sàng cho một cuộc xung đột cường độ cao tương tự như cuộc chiến ở Ukraine. 

Cuộc tập trận Mùa xuân Dacian 2025 là một bước trung gian mà nếu thành công sẽ tái khẳng định uy tín của Pháp với các đồng minh NATO và mở đường đạt được mục tiêu năm 2027.

Thử thách chính ở đây sẽ là đến được Romania trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tướng Pierre-Eric Guillot, cấp phó của Toujou, cho biết: "Vẫn chưa có một khu vực tự do chung về quân sự kiểu Schengen và húng tôi cần cải thiện khả năng di chuyển quân sự ở châu Âu một cách dứt khoát".

Việc triển khai quân đầu tiên tới Romania vào năm 2022 đã bị cản trở bởi các thủ tục quan liêu, thủ tục biên giới và các chuyến tàu không phù hợp với thiết bị quân sự. Các quốc gia đã nỗ lực giải quyết những cản trở này và có nhiều tiến bộ. 

Tướng Guillot  cho biết, quân đội trước đây chỉ dựa vào tàu hỏa, nhưng giờ đây họ cũng di chuyển quân đội và trang thiết bị bằng xe tải và thuyền, thậm chí đôi khi còn kết hợp các phương thức vận chuyển khác nhau.

Toujous nói thêm rằng ông tin tưởng rằng binh lính Pháp sẽ vượt qua bài kiểm tra vào năm tới.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu năm 2027, chi tiêu quốc phòng sẽ cần phải tiếp tục đáp ứng luật kế hoạch quân sự kéo dài 7 năm không ràng buộc của Pháp, Tướng Pierre Schill, người đứng đầu quân đội Pháp, cảnh báo.

Ngân sách quốc phòng đang chịu áp lực khi chính phủ mới của Pháp cố gắng kiềm chế thâm hụt của đất nước.

Tướng Schill nói: "Tôi hy vọng các nguồn lực theo kế hoạch sẽ có đầy đủ. Nếu có những thay đổi lớn, đến một lúc nào đó chúng tôi có thể trì hoãn mục tiêu năm 2027 vì không có đủ nguồn dự trữ để đưa chúng vào chiến đấu. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết", ông nói thêm. "Ít nhất là bây giờ".

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết trên mạng xã hội X rằng Pháp sẽ giao máy bay chiến đấu Mirage 2000 với vũ khí mới cho Ukraine từ đầu năm tới. 

Ông viết: "Việc giao máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho Ukraine được lên kế hoạch vào quý 1 năm 2025. Chúng sẽ được trang bị vũ khí không đối đất và hệ thống tác chiến điện tử mới". Ngoài ra, Pháp vẫn tiếp tục đào tạo phi công và thợ máy người Ukraine.

Theo báo chí Nga, gần đây, phương tây thảo luận ngày càng nhiều về một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga. Điện Kremlin lưu ý Moscow không đe dọa ai nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây nguy hiểm cho lợi ích của mình.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Nga đã ghi nhận hoạt động chưa từng có của NATO dọc biên giới phía Tây của nước này. Liên minh đang mở rộng các sáng kiến và gọi đó là "ngăn chặn sự xâm lược của Nga". 

Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc xây dựng lực lượng NATO ở châu Âu . Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Nga vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với NATO nhưng trên cơ sở bình đẳng, trong khi phương Tây phải từ bỏ tiến trình quân sự hóa lục địa này.