Dân Việt

Nuôi con động vật hoang dã này, lông nhọn cứ hay khụt khịt, một nông dân Yên Bái hễ nói bán là hết sạch

Hà Thanh - Kiều Hải 09/10/2024 15:17 GMT+7
Từ trồng cam, anh Đỗ Văn Lợi (thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) học hỏi thêm kỹ thuật nuôi nhím, kinh nghiệm nuôi nhím-một loài động vật hoang dã. Từ mô hình nuôi con đặc sản này, gia đình anh Lợi khá giả hẳn lên.

Mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi nhím

Học hết lớp 9, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên anh Đỗ Văn Lợi (thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế.

Anh Lợi cho biết, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng cam với quy mô khoảng 3ha. Nhưng đến năm 2019, cây cam bắt đầu bị dịch bệnh và chết hàng loạt nên anh Lợi đã chuyển hướng sang nuôi bò. 

Tuy nhiên, nhận thấy diện tích đất của gia đình vẫn còn nhiều, bỏ không thì lãng phí, nên năm 2020 vợ chồng anh Lợi đã bàn nhau đi học hỏi mô hình nuôi nhím ở xã bạn.

Nuôi loài vật hoang dã, lông nhọn hoắt như tên, chỉ ăn rau củ quả một nông dân Yên Bái thu lãi lớn - Ảnh 1.

Năm 2020, anh Đỗ Văn Lợi, nông dân thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) bắt tay vào nuôi nhím với số lượng 30 con giống ban đầu. Ảnh: Hà Thanh

Ban đầu anh Lợi bắt tay vào nuôi chỉ với hơn 30 con nhím giống được anh mua với giá 2,8 triệu đồng/cặp. 

Sau một thời gian nhận thấy nhím không bị bệnh tật, phát triển tốt mà thị trường lại ổn định nên vợ chồng anh quyết định nhân đàn lên 50 con, rồi đến 100 con. Một năm sau, vợ chồng anh đầu tư xây dựng thêm một trại nuôi và nâng tổng số đàn lên gần 200 nhím bố mẹ sinh sản như hiện nay.

Theo anh Lợi, để có thể gắn bó với mô hình nuôi nhím hay bất cứ mô hình chăn nuôi nào đều đòi hỏi phải có sự đam mê thực sự đặc biệt, vì nhím là loài vật hoang dã nên lại càng phải có sự kiên trì để hiểu tập tính sinh hoạt của chúng.

"Yếu tố quan trọng nhất khi nuôi nhím là con giống phải thuần chủng, chuồng trại phải đầu tư bài bản, đúng quy cách với chiều rộng 1m, chiều dài 1,1m, chiều cao 80cm. Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông để nhím sinh trưởng, phát triển tốt" - anh Lợi cho hay.

Về cơ bản nhím là loài vật dễ nuôi, không hay mắc bệnh nên ít khi phải sử dụng kháng sinh. Lưu ý, khi nhím con mới sinh khoảng 20 ngày tuổi hay mắc bệnh phân trắng, nếu để ý sẽ có cách xử lý hiệu quả. 

Còn đối với nhím trưởng thành, vào mùa đông cũng thỉnh thoảng có con bị liệt do thời tiết quá lạnh. Để khắc phục tình trạng này, anh Lợi sẽ bổ sung muối và canxi cho nhím, sau một thời gian nhím sẽ khỏi.

Thời điểm tốt nhất để vào giống là mùa xuân vì lúc này thời tiết ấm áp sẽ thuận lợi cho nhím con sinh trưởng và phát triển, cộng với nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có. 

Nên lựa chọn nhím giống có thời gian nuôi khoảng 2 tháng (lúc này nhím đạt trọng lượng khoảng 4kg/cặp) để vào chuồng là đẹp nhất.

Nuôi loài vật hoang dã, lông nhọn hoắt như tên, chỉ ăn rau củ quả một nông dân Yên Bái thu lãi lớn - Ảnh 3.

Nhím là loài vật hoang dã có sức đề kháng khá tốt nên ít khi mắc bệnh. Ảnh: Hà Thanh

Sau 10 tháng nuôi, nhím sẽ đạt trọng lượng khoảng 10kg/con, thời điểm này nhím cái sẽ bắt đầu động dục và tự ghép đôi với nhím đực, đến khi nhím cái mang thai thì tiến hành tách riêng. 

Thông thường, nhím cái mang thai khoảng 90 – 100 ngày sẽ bắt đầu sinh sản. Nhím cái sinh sản khoảng 2,5 lứa/năm, với mỗi lứa khoảng 2 con.

Sau sinh 2 tháng sẽ tách mẹ và lại tiến hành ghép đôi. Thời điểm này, nhím con đã có thể xuất bán giống. Theo kinh nghiệm của những người nuôi nhím, thời gian khai thác nhím mẹ có thể kéo dài từ 8 – 10 năm tùy điều kiện chăm sóc.

Nuôi loài vật hoang dã, lông nhọn hoắt như tên, chỉ ăn rau củ quả một nông dân Yên Bái thu lãi lớn - Ảnh 7.

Với quy mô nuôi nhím như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Lợi, thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ảnh: Hà Thanh.

Anh Lợi cho biết, do là loài vật hoang dã nên thức ăn của nhím đòi cơ bản dễ kiếm, chỉ cần có rau, củ, quả, có thể là củ sắn, rau lang hay cây chuối…

Với gia đình anh Lợi, thức ăn chủ yếu của nhím là ngô khô được ngâm trong vòng 24 tiếng rồi rửa sạch sau đó cho nhím ăn. Lượng thức ăn trung bình với con nhím trưởng thành khoảng 1,5 lạng ngô/ngày, còn lại bổ sung thêm sắn và rau.

Lợi nhuận kinh tế cao từ nuôi nhím

Hiện nhím giống được gia đình anh Lợi bán chủ yếu cho các thương lái với giá 2,5 triệu đồng/đôi (trọng lượng khoảng 4kg/đôi), còn nhím thịt được bán với giá 240.000 – 260.000 đồng/kg. 

Trung bình mỗi năm gia đình anh Lợi xuất bán khoảng 350 con nhím giống thu về hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Nuôi loài vật hoang dã, lông nhọn hoắt như tên, chỉ ăn rau củ quả một nông dân Yên Bái thu lãi lớn - Ảnh 4.

Trung bình mỗi năm nhím mẹ sinh sản 2,5 lứa, mỗi lứa 2 con. Loài động vật hoang dã này được cho là dễ nuôi, người nuôi cũng dễ kiếm nguồn thức ăn cho chúng. Ảnh: Hà Thanh

Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Duy, Trưởng xóm An Thái, xã xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: Mô hình nuôi nhím của gia đình anh Lợi được đánh giá rất cao về quy mô chăn nuôi cũng như lợi nhuận mang lại, hơn hẳn nhiều mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn.

Sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này, anh Lợi đã vận động cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho một số hộ gia đình trong thôn để phát triển mô hình tuy nhiên quy mô chưa được lớn, do nhiều hộ chưa mạnh dạn cũng như chưa tự tin nên không dám phát triển hoặc mở rộng mô hình này.