Dân Việt

Long An học tập kinh nghiệm giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất từ Nhật Bản

Trần Đáng 09/10/2024 10:37 GMT+7
Trong khuôn khổ chuyến công tác xúc tiến đầu tư và lao động tại Nhật Bản (8 - 12/10), Đoàn công tác tỉnh Long An đã đến làm việc với Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki và khảo sát mô hình cộng đồng Hydrogen carbon tại TP.Kobe, tỉnh Hyogo, mục đích học tập kinh nghiệm giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất.
Long An học tập kinh nghiệm giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất từ Nhật Bản- Ảnh 1.

Đoàn công tác tỉnh Long An làm việc với Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki học hỏi kinh nghiệm giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất. Ảnh: T.H

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki (8/10), Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chia sẻ, hiện nay Việt Nam đang triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát phát thải khí CO2 ròng bằng 0 theo cam kết của Chính phủ.

Long An cũng sẽ tập trung các giải pháp để góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam. Tỉnh rất mong được học tập chia sẻ kinh nghiệm đối với những lĩnh vực Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki có thế mạnh về kỹ thuật giảm phát thải khí CO2, trong đó có 2 nội dung chính là giảm năng lượng, giảm hiệu ứng nhà kính bằng cách sử dụng khí Hydro hóa lỏng.

Đồng thời, tỉnh Long An cũng mong muốn Tập đoàn Kawasaki tiếp tục xem Long An là thị trường tiềm năng, chiến lược cho các dự án của Tập đoàn trong thời gian tới.

Về phía Tập đoàn Kawasaki, các chuyên gia của tập đoàn này cho biết, hiện nay tập đoàn đang xem xét thay đổi mục tiêu cắt giảm khí thải để phù hợp với tuyên bố của chính phủ. Trong đó, giải pháp để giảm phát thải khí CO2 là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, đồng thời phát triển công nghệ sản xuất điện không phát thải khí CO2.

Cũng theo các chuyên gia năng lượng của Nhật Bản, một lợi thế của năng lượng Hydro hóa lỏng là nhiên liệu Hydro tồn tại dưới dạng năng lượng thứ cấp, không có sẵn trong tự nhiên, nhưng có thể được sản xuất từ rất nhiều nguồn năng lượng sơ cấp khác nhau, như có thể sản xuất nhiên liệu Hydro tại nơi có than đá, khí thiên nhiên.

Nguồn cung năng lượng Hydro chính của Nhật Bản sẽ đến từ các nguồn nhập khẩu. Nhật Bản cũng đã bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng trên toàn cầu để đảm bảo nhu cầu năng lượng Hydro của nước này trong tương lai.

Các công nghệ thân thiện với môi trường, như công nghệ tái chế C02 hay công nghệ năng lượng Hydro đang là những công nghệ góp phần để Nhật Bản thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải mà nước này đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Thay mặt đoàn công tác tỉnh Long An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa trân trọng và đánh giá cao thời gian qua quan hệ giữa tỉnh và các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chặt chẽ, trong đó có nhiều nội dung hợp tác giữa 2 bên.

Nhờ đó, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào tỉnh Long An trong các năm qua liên tục tăng. Hiện nay, các dự án này đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giúp nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp, chiếm gần 50%.

Long An học tập kinh nghiệm giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất từ Nhật Bản- Ảnh 3.

Chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki trao đổi với Đoàn công tác tỉnh Long An về giải pháp tồn trữ Hydro lỏng tại cảng Kobe. Ảnh: T.H

Long An hiện là một trong những địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước khá tốt trong Vùng ĐBSCL cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư đối với các dự án có công nghệ cao.

Tại Hội thảo vùng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu PGI tại tỉnh Trà Vinh vào tháng 5/2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, trong lĩnh vực xúc tiến, thu hút và cấp giấy phép đầu tư, Long An luôn quan tâm đến phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường.

Tỉnh Long An thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; chọn lọc, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và những dự án "xanh", dụ án có công nghệ cao, dự án phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.