Ngày 09/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) tổ chức hội thảo với chủ đề Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông" phát triển bền vững.
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN luôn xác định nông nghiệp nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn tín dụng. Hệ thống tổ chức tín dụng đã ngày càng quan tâm, ưu tiên đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; số lượng tổ chức tín dụng tham gia và dư nợ cho vay lĩnh vực này đều tăng qua các năm.
Đến nay, đã có trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), hệ thống Ngân hàng HTX, QTDND đã có những cách thức tổ chức mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng đặc thù, phù hợp với đối tượng nông dân, người nghèo, cư dân vùng sâu, vùng xa. Chất lượng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn được kiểm soát, với tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp.
Bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm khoảng 20%-21% dư nợ nông nghiệp, nông thôn. Đến tháng 12/2023, dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp sạch đạt 27.649 tỷ đồng. Dư nợ cho vay liên kết, chuỗi giá trị trong nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2023 tăng 13,42%/năm.
Riêng đối với nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, tín dụng dành cho nhóm này có tỷ trọng tăng dần qua các năm, từ 31% năm 2016 lên gần 39% năm 2023, với tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn bình quân, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế trên thị trường thế giới.
Đến cuối năm 2023, tín dụng đối với ngành lúa, gạo tăng 24,09% so với cuối năm 2022; thủy sản tăng 12,83%; cà phê tăng 21,56%; rau quả tăng 11,33%.
Theo bà Giang, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Thứ nhất, các TCTD gặp khó khăn trong cung ứng nguồn vốn tín dụng dài hạn, giá rẻ cho khu vực nông nghiệp nông thôn do nguồn vốn chính để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay khu vực này hiện nay là vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (chủ yếu là tiền gửi); trong khi đây là những nguồn vốn có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, kết quả triển khai một số chính sách chưa được như kỳ vọng như: Cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; Dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với HTX còn thấp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó tiếp cận vốn tín dụng; Dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến mặc dù Nghị định đã quy định đầy đủ các chính sách khuyến khích cho các lĩnh vực này.
Thứ ba, công tác thẩm định, xem xét cho vay, quản lý khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý nợ vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do đặc thù rủi ro của ngành chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến người dân bị thiệt hại hoặc không còn khả năng tái sản xuất; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng còn bất cập (ví dụ về xử lý quyền sử dụng đất, nhà ở để thu hồi nợ vay, chế tài bắt buộc người vay bàn giao tài sản cho ngân hàng hoặc ngân hàng có quyền phát mãi tài sản giữ hộ để thu hồi nợ); ý thức của khách hàng vay, có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhiều vào chính sách của Nhà nước.
Thứ năm, một số tổ chức tín dụng như Agribank đã phát triển phương thức cho vay thông qua các tổ vay vốn ủy thác qua 02 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai qua phương thức này còn một số khó khăn.
Thứ sáu, việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn đối mặt với một số thách thức khác như: Đặc thù sản xuất ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thiên tai, dịch bệnh; giá cả, thị trường đầu ra chưa ổn định; ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững trong khi các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp/công cụ phòng ngừa rủi ro tại Việt Nam còn chưa phát triển rộng rãi, chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn chậm triển khai; Việc thay đổi địa giới hành chính từ nông thôn lên thành thị (xã lên phường, thị trấn) khiến một bộ phận người dân không được thụ hưởng chính sách theo Nghị định; Theo xu hướng phát triển phát sinh một số định hướng mới trong sản xuất nông nghiệp như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được quy định, tiêu chuẩn đối với các vấn đề này.
Để hỗ trợ triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, bà Giang cho rằng cần các giải pháp đồng bộ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, như chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững;... Trong đó, theo bà Giang, cần xem xét mở rộng đối tượng được bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm đối với người nông dân canh tác với diện tích lớn, tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến 30/09/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó: dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là hơn 1 triệu tỷ đồng với 2,8 triệu khách hàng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 2015 – khi bắt đầu triển khai Nghị định 55 của Chính phủ. Với kết quả như vậy, Agribank là ngân hàng có thị phần cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xây dựng trong thời gian tới, Agribank đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành xem xét xây dựng các chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách Nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; Ưu tiên cho Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ưu tiên nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, quỹ hỗ trợ sắp xếp đối với doanh nghiệp với lãi suất thấp để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đề nghị các cơ quan, Bộ ban ngành có chính sách thu mua, dự trữ, bình ổn giá các sản phẩm nông nghiệp để người dân tránh rủi ro do giá hạ.
Agribank đề nghị có cơ chế xử lý nợ đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, để hạn chế rủi ro trong quá trình triển khai đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Agribank đề nghị đẩy nhanh việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Agribank để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đồng thời mở rộng đối tượng và địa bàn triển khai nhiều loại hình bảo hiểm nông nghiệp thích hợp để bảo đảm nợ vay khi rủi ro xảy ra.
Agribank cũng đề nghị các địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong các khâu của quá trình sản xuất- thu mua- chế biến-tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, có chiến lược tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định, thu hồi được vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi nhận tài sản trên đất; phối hợp với Agribank trong việc quản lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, theo dõi và quản lý chặt chẽ để bảo đảm chỉ xác nhận cho hộ gia đình, cá nhân vay không có bảo đảm bằng tài sản tại 01 tổ chức tín dụng khi sử dụng loại giấy tờ này; đồng thời thông báo kịp thời cho ngân hàng nơi cho vay được biết khi cá nhân, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức để có biện pháp quản lý thống nhất, tránh cho vay trùng lắp giữa các ngân hàng.