Trong thành tích chung của Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên có phần đóng góp không nhỏ của các Chi Hội trưởng Chi Hội Nông dân cơ sở. Ở xã Lạc An, ông Vũ Mạnh Cường – Chi hội trưởng nông dân ấp 4 (xã Lạc An) không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn năng nổ, nhiệt tình trong công tác Hội.
Nhờ tìm hiểu các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, ông Cường nhận ra việc trồng cây độc canh khó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với giá nông sản lên xuống thất thường, ông không "đặt hết trứng vào một giỏ" mà trồng xen nhiều loại cây khác nhau.
Từ năm 2014, ông Cường đưa cam, bưởi và chuối xiêm về trồng xen canh trong 1ha đất của gia đình. Cách làm này phát huy hiệu quả. Đến năm 2020, ông tiếp tục trồng xen thêm 400 cây chuối xiêm và dây bí đỏ (để bán đọt).
Ngoài ra, ông còn mở rộng chăn nuôi heo, bò, gà vịt trên hơn 3.000m2. Mô hình nông nghiệp tổng hợp này giúp gia đình ông thu lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, ông Cường còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chuối xiêm, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn xã.
Ở địa phương, ông cũng thường xuyên vận động hỗ trợ tiền sửa chữa nhà; góp vốn mua sắm dụng cụ sinh kế; vận động ủng hộ tiền mua sách vở, vật dụng học tập giúp cho học sinh nghèo.
Ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên cho biết, nhờ sự năng động của ông Cường, hoạt động của Chi hội nông dân ấp 4 (xã Lạc An) luôn đạt hiệu quả cao. Ông Cường đã được Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tuyên dương là Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2023.
Theo ông Huy, thời gian qua, Hội Nông dân huyện luôn quan tâm đến công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội.
Đồng thời, Hội Nông dân huyện thường xuyên trang bị những kiến thức nghiệp vụ công tác Hội, kỹ năng hoạt động Hội và các nội dung chính sách liên quan đến phong trào nông dân và hoạt động của tổ chức Hội.
Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp Hội quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng.
Thông qua phong trào, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, nhiều hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh. Điển hình mới đây là ông Nguyễn Huỳnh Thanh trồng cao su và cây ăn trái ở xã Tân Định đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi, tổ Hội gắn với công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên luôn được Hội Nông dân các cấp ở Bình Dương thường xuyên thực hiện.
Trong 9 tháng đầu năm, Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng phát triển thêm 2 chi hội nghề nghiệp. Trong đó có chăn nuôi vịt siêu thịt xã Minh Thạnh với 20 thành viên, và chi hội sinh vật cảnh thị trấn Dầu Tiếng có 9 thành viên tham gia.
Tính đến nay, huyện có 35 chi hội nghề nghiệp với 407 thành viên; 7 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 40 thành viên; cùng với 23 Câu Lạc bộ với 751 thành viên ở nhiều các lĩnh vực do Hội quản lý.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, cuối tháng 9, Hội Nông dân huyện Bàu Bàng phối hợp khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên tại cửa hàng Hồng Ngọc (xã Trừ Văn Thố).
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, địa điểm này sẽ tư vấn trực tiếp cho khách hàng về những lợi ích khi tiêu dùng các sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Bàu Bàng tiếp tục phối hợp phát triển cửa hàng, tạo thành điểm giao lưu, học hỏi, chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của huyện.
Ông Trịnh Đức Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo cho biết, việc vận động, khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và về chất.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 815 hộ, cơ sở nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 1.400ha; tăng 111 cơ sở/hộ so với cuối năm 2023.
Hội Nông dân huyện Phú Giáo cũng đang hướng dẫn 450 hội viên, nông dân tham gia vận hành ứng dụng thông minh App Phú Giáo xanh. Đây là 1 trong những sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh "Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Phú Giáo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh".
"Ứng dụng nhằm tạo ra diễn đàn kết nối các chủ thể sản xuất cũng như thu mua nông sản; góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; đồng thời kết nối nông nghiệp với du lịch và các dịch vụ gia tăng giá trị khác", ông Dũng chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương đánh giá, thời gian qua, tổ chức Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố phát triển, hội viên và nông dân ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.
Nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của hội viên và nông dân.
Tại hội nghị giao bao công tác Hội và phong trào nông dân quý III/2024 mới đây, ông Huy cho biết, các cấp Hội Nông dân Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch thực hiện 15 chỉ tiêu cụ thể và 2 chương trình đột phá của Hội.
Đó là: Xây dựng chương trình hợp tác 6 nhà, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông sản; xây dựng mô hình nông dân khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Huy cũng đề nghị Hội Nông dân các huyện, thành phố hướng dẫn hội viên nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để an tâm sản xuất.
"Đồng thời triển khai các đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, để nông dân tiếp cận được những mô hình sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại ứng dụng vào thực tiễn", ông Huy đề nghị.