Nông dân xuất sắc Bình Dương sản xuất giỏi, chia sẻ cùng nhau làm giàu

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 09/10/2024 09:00 AM (GMT+7)
Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ là những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh mà còn biết chia sẻ khó khăn để cùng nhau làm giàu, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Nông dân xuất sắc Bình Dương cùng chia sẻ bí quyết làm giàu

Từ năm 2012, ông Bùi Thiện Trúc ở xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) bắt đầu trồng cây ăn quả diện tích 3ha. Thời gian đầu, chi phí chăm sóc và vật tư nông nghiệp khá cao, gia đình ông gặp không ít khó khăn.

Năm 2017, ông Trúc cùng với 17 nông dân địa phương tham gia thành lập HTX Minh Hòa Phát. HTX được Hội Nông dân xã Minh Hòa tạo điều kiện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 1.

Ông Bùi Thiện Trúc chăm sóc vườn bưởi của gia đình ở xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Ảnh: HNDBD

Ông Trúc cùng các thành viên được tham quan nhiều mô hình trồng cây có múi ở các tỉnh thành; được hỗ trợ về vốn vay, xây dựng mô hình VietGAP, tưới nước tiết kiệm.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình GlobalGAB, các vườn cây ăn trái tạo ra sản phẩm sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ông Trúc sở hữu 10ha trồng cây ăn quả, tổng thu nhập hàng năm trên 4 tỷ đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Trúc còn tích cực tham gia phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bằng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, ông trao đổi và hướng dẫn nhiều hộ gia đình khác, động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu đẹp cho quê hương. Nhiều năm liền, ông Trúc đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 2.

Ông Bùi Thiện Trúc, hội viên nông dân xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) là 1 trong 11 Nông dân xuất sắc Bình Dương năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cũng ở xã Minh Hòa, bà Phạm Thị Thảo làm thêm nghề nuôi ong lấy mật khi đang là giáo viên. Thấy nghề nuôi ong phát triển, bà chuyển hẳn sang làm nông, mở rộng mô hình nuôi và chế biến mật ong đóng chai. Tổng thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, bà Thảo thành lập HTX Ong mật Thảo Trinh, giúp cho 20 lao động địa phương có việc làm ổn định, bình quân mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng. Trong quá trình nuôi ong, bà Thảo luôn cố gắng học hỏi, trao đổi kỹ thuật rồi hướng dẫn tận tình những điều mình biết cho các thành viên trong HTX.

Hàng năm, HTX Ong mật Thảo Trinh hướng dẫn và phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 20 lao động; giúp đỡ vốn, vật tư cho các hộ dân khó khăn để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh. HTX thường xuyên cùng chính quyền xã và Hội chữ Thập Đỏ huyện Dầu Tiếng chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thảo, hội viên nông dân xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) được tôn vinh Nông dân xuất sắc Bình Dương năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân xuất sắc Bình Dương sáng tạo trong sản xuất

Ở xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng), ông Ngô Hữu Hiệp có 8ha đất trồng cao su, trồng tre lấy măng, và trồng mít. Ông còn có 2 trang trại lạnh, chăn nuôi heo gia công với khoảng 12.000 con.

Nhờ hệ thống khép kín trong chăn nuôi, và ứng công nghệ tưới phun tự động, mô hình sản xuất của ông đem lại tổng thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng. Hàng năm, ông Hiệp đã tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-13 triệu đồng/tháng, và nhiều lao động khác theo mùa vụ.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 4.

Ông Lâm Thành Thạnh, hội viên nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) là Nông dân xuất sắc Bình Dương năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lâm Thành Thạnh, nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) thì chuyên trồng các loại cây có múi như quýt đường, cam sành, cam xoàn trên diện tích 50ha.

Ngoài hệ thống tưới tiết kiệm, ông Thạnh còn sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc vườn cây. Mỗi năm trang trại của ông cho sản lượng 40 tấn/ha các loại. Cùng với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác, ông Thạnh thu nhập 10 tỷ đồng/năm.

Ông Thạnh cũng thường xuyên hỗ trợ các chủ nhà vườn khác cùng tham gia các buổi tập huấn, giới thiệu sản phẩm nhằm lan tỏa thương hiệu cây có múi Bắc Tân Uyên ra thị trường.

Trên diện tích 18ha, ông Hồ Tấn Lợi nông dân xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) chuyên canh mô hình trồng lúa hữu cơ. Sử dụng máy bón phân, gieo giống và phun thuốc tự động, mỗi năm, ông Lợi thu hoạch sản lượng lúa 6,5 tấn/ha; tổng thu nhập hơm 2 tỷ/năm.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 5.

Ông Hồ Tấn Lợi - Hội viên nông dân xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) được tôn vinh nông dân Bình Dương xuất sắc năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đặc biệt, ông Hồ Tấn Lợi đã đạt giải cuộc thi Sáng tạo nhà nông năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức với mô hình máy bón phân, gieo giống, phun thuốc tự động.

Giải thưởng Nông dân xuất sắc Bình Dương ngày càng ghi nhận nhiều nông dân tỷ phú

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương cho biết, thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã sức lan tỏa rộng lớn, thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia.

Tại Bình Dương, phong trào góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả; trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.

Các mô hình sản xuất lớn của nông dân Bình Dương cho thấy sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới, sử dụng lao động hợp lý, phát huy hiệu quả đồng vốn; quen dần với hoạch toán sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 6.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nông dân huyện Phú Giáo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Bình Dương không những mang lại đời sống vật chất ngày càng cao, mà còn giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên.

"Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu các cấp, nông dân tỷ phú, nông dân triệu USD ngày càng tăng về chất và lượng", ông Huy nói.

Giải thưởng Nông dân Bình Dương xuất sắc được xét chọn hàng năm nhằm khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh những gương nông dân giỏi. 11 hội viên nông dân đạt giải thưởng Nông dân Bình Dương xuất sắc lần thứ VI, năm 2024 là những hộ có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, những tấm gương sáng, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh.

"Không những thế, họ còn biết chia sẻ những khó khăn của nông dân nói chung để cùng làm giàu, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội", ông Huy chia sẻ.

11 Nông dân xuất sắc Bình Dương năm 2024
Nông dân xuất sắc Bình Dương không chỉ sản xuất giỏi mà còn biết chia sẻ để cùng nhau làm giàu - Ảnh 7.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Hội Nông dân tỉnh tôn vinh 11 Nông dân xuất sắc Bình Dương năm 2024. Ảnh: Nguyên Vỹ

1. Ông Lâm Thành Thạnh - Hội viên nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trồng cây có múi, gồm 21ha cam xoàn, quýt đường. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao; tổng thu nhập hàng năm hơn 3 tỷ đồng.

2. Ông Hồ Tấn Lợi - Hội viên nông dân xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) với mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 18ha. Tổng thu nhập hàng năm trên 2 tỷ đồng.

3. Ông Trịnh Văn Thông - Hội viên nông dân xã Phú An (TP.Bến Cát) với mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái, trồng cây ăn trái và trồng lúa với tổng diện tích 7ha. Tổng thu nhập hàng năm hơn 2 tỷ đồng.

4. Ông Bùi Thiện Trúc – Hội viên nông dân xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) với mô hình trồng cây có múi trên diện tích 20ha. Sản phẩm bưởi da xanh của ông đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Tổng thu nhập hàng năm trên 4 tỷ đồng.

5. Ông Nguyễn Văn Cơ - Hội viên nông dân xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trang trại tổng hợp 3ha cây ăn trái có múi, kết hợp các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Tổng thu nhập hàng năm của ông hơn 2 tỷ đồng.

6. Ông Châu Văn Lợi - Hội viên nông dân xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo) với mô hình trang trại bưởi ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, trên diện tích 6,5ha. Tổng thu nhập hàng năm trên 2 tỷ đồng

7. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Hội viên nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trồng bưởi, cam, hồ tiêu trên diện tích 12ha. Tổng thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng. Hiện bà Thu đang quản lý khu Du lịch sinh thái Sol Farm.

8. Ông Bùi Văn Tuân – Hội viên nông dân xã An Thái (huyện Phú Giáo) với mô hình trang trại tổng hợp. Trên diện tích 9ha, ông trồng 6ha sầu riêng, 3ha mít lá bàng. Tổng thu nhập hàng năm hơn 2 tỷ đồng.

9. Bà Phạm Thị Thảo - Hội viên nông dân xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) với mô hình nuôi ong lấy mật. Diện tích xưởng sản xuất 1.000m2. Tổng thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng.

10. Ông Ngô Hữu Hiệp – Hội viên nông dân xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng) với mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích 8ha gồm trồng cao su, tre lấy măng, mít và mô hình nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với 2 trang trại lạnh quy mô 12.000 con. Tổng thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng.

11. Ông Võ Ngọc Tài - Hội viên nông dân xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) với mô hình trang trại tổng hợp trồng bưởi da xanhVietGAP, trồng lúa theo hướng hữu cơ. Tổng lợi nhuận hàng năm trên 1,5 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem