Dân Việt

Đại tướng Phan Văn Giang: Giải quyết tốt chế độ, chính sách khi sáp nhập doanh nghiệp quân đội

PV 09/10/2024 18:45 GMT+7
Việc cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội liên quan đến biên chế, chính sách của nhiều người nên Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị cần đưa ra cách giải quyết hiệu quả, sát thực tiễn những kiến nghị, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên.

Ngày 9/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với các cơ quan về triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án).

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/6/2024, với mục tiêu sắp xếp, tinh gọn, cơ cấu hợp lý các doanh nghiệp quân đội. Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, văn bản liên quan và xin ý kiến các cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội sẽ được chia thành các giai đoạn và triển khai thí điểm sáp nhập trước ở một số doanh nghiệp. Sau đó sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai sáp nhập các doanh nghiệp còn lại.

Đại tướng Phan Văn Giang: Giải quyết tốt chế độ, chính sách khi sáp nhập doanh nghiệp quân đội- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng làm việc về đề án sắp xếp doanh nghiệp quân đội. Ảnh: Bộ Quốc phòng.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã báo cáo, giải trình; đồng thời kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động…

Phát biểu kết luận, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp quân đội là nhiệm vụ quan trọng; Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động phối hợp, triển khai Đề án bảo đảm tiến độ, phù hợp, sát thực tế.

Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến biên chế, tổ chức, chế độ, chính sách, tư tưởng, tình cảm của nhiều người.

Do đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động; tiến hành gặp gỡ, đối thoại dân chủ với các doanh nghiệp giải thể, sáp nhập để nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng cùng những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải thể, sáp nhập để đề ra cách giải quyết hiệu quả, sát thực tiễn.

Đại tướng Phan Văn Ging cũng yêu cầu, các cơ quan cần phối hợp giải quyết tốt chế độ, chính sách cho các quân nhân, công nhân viên quốc phòng theo đúng quy định; kiểm kê, kiểm nghiệm vật tư kỹ thuật, cơ sở vật chất, kho tàng, doanh trại, vật tư tài sản...; tổ chức bàn giao, tiếp nhận chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí.

Các đơn vị, doanh nghiệp liên quan cần nghiên cứu, đề xuất phương án, mô hình hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp sau khi sáp nhập, điều chỉnh, bảo đảm phù hợp điều kiện đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật.