Dân Việt

Metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên bị nhắc tên vì giải ngân kém

Vũ Khoa 10/10/2024 09:32 GMT+7
Trong số các dự án giải ngân dưới 30% vừa được Bộ Tài chính công bố, nhiều dự án vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

326 dự án chậm giải ngân

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch, Bộ Tài chính thực hiện công khai danh mục công trình, dự án đầu tư công giải ngân kế hoạch năm 2024 đến ngày 30/9/2024 nguồn vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực có tỷ lệ giải ngân dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao do UBND các tỉnh, thành phố quản lý.

Danh sách được công bố đến hết ngày 30/9/2024 gồm 326 dự án trên 56 địa phương. Trong đó 82 dự án chưa giải ngân, và 5 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành GTVT có tỷ lệ giải ngân dưới 30%. Một số địa phương có số dự án chậm giải ngân nhiều nhất như Lai Châu (11 dự án), Đắc Nông (15 dự án), Kon Tum (10 dự án), Điện Biên (18 dự án), Lào Cai (14 dự án), Bắc Kạn (20 dự án)...

Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có 5 dự án chậm giải ngân. Cụ thể, tại Hà Nội, các dự án bao gồm Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội; Chuẩn bị đầu tư dự án tuyến metro số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho đường sắt đô thị; Dự án thành phần 1.1 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đường Vành đai 4; Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối QL 21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình; và Dự án Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá.

img

Dự án xây dựng metro Nhổn - Ga Hà Nội được bố trí hơn 1.300 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 14%.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, hai dự án có tỷ lệ giải ngân 0% là Dự án Xây dựng 2 tuyến cáp ngầm 110KV cung cấp điện vận hành tuyến metro số 1 và Dự án tăng cường mảng xanh, đều thuộc tuyến metro Bến thành – Suối Tiên. Bên cạnh đó, công trình Xây dựng đường sắt đô thị tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đạt tỷ lệ 27%; Xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương giải ngân được 18%. Một dự án môi trường là Xây dựng hạ tầng cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 23%.

Đề nghị điều chuyển vốn sang các dự án khả thi

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 nguồn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước) do địa phương quản lý là 86.746,6 tỷ đồng, chiếm 90,16% tổng nguồn ngân sách theo ngành, lĩnh vực do địa phương quản lý.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Chỉ đạo chủ đầu tư, Sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, đẩy mạnh thanh toán, quyết toán. Chủ động rà soát, báo cáo kịp thời phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.

Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tính gửi các Bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định trước ngày 15/11/2024.

Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng thực hiện đúng theo các quy định để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao.