TS. Hoàng Xuân Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết như vậy tại tọa đàm "Phát triển sản phẩm chế biến từ lúa gạo nâng cao giá trị ngành lúa gạo Việt Nam", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức tại Hải Dương ngày 9/10.
Chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam còn nhiều gian nan
Chia sẻ tại Tọa đàm, Phó Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình-Nguyễn Văn Đình cho biết: Ngành nông nghiệp ở Thái Bình được xem là thế mạnh mang tính trụ cột, là tiêu chí dẫn đầu trong phát triển kinh tế, sản lượng lúa gạo trung bình 160.000ha/năm.
Tuy nhiên mới chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa được xuất khẩu do khâu chế biến lúa gạo của tỉnh còn nhiều khó khăn. Các cơ sở chế biến lúa gạo còn lạc hậu, chưa đáp ứng đủ công suất cần thiết.
Hiện tại, hoạt động chế biến lúa gạo tại Thái Bình chủ yếu tập trung vào sản xuất bún, bánh, nấu rượu và làm bánh đa. Ông Đình mong muốn Thái Bình có thể cải thiện chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, đặc biệt với giống gạo TBR97 đang phát triển mạnh và có tiềm năng xuất khẩu nhờ năng suất cao.
Tương tự, Hải Dương là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 700.000 tấn mỗi năm; trong đó, khoảng 500.000 tấn phục vụ tiêu dùng trong tỉnh; 200.000 tấn cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.
Tỉnh có hơn 3.000 cơ sở xay xát đang làm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, chế biến cho các cơ sở bánh kẹo, sản xuất rượu. Một số đặc sản bánh kẹo từ gạo như bánh gai, bánh khảo của Hải Dương đang là thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hút du khách.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương Nguyễn Phú Thụy cho biết, mặc dù Hải Dương đã có một số cơ sở chế biến đầu tư công nghệ hiện đại, nhưng chủ yếu là sử dụng công nghệ lạc hậu do hạn chế về vốn và mặt bằng.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuẩn hóa vùng trồng và xây dựng thương hiệu lúa gạo, bao gồm cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thương lái, làm ảnh hưởng đến giá cả và lợi ích của người nông dân.
Ông Thụy cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần có những chính sách khuyến khích phát triển hệ thống xay xát theo hướng hiện đại và ổn định thị trường nội địa, tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu gạo Hải Dương. "Chúng tôi đang nỗ lực triển khai các chính sách nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn" – ông Thụy thông tin.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa mới chất lượng
Về giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là chuỗi lúa gạo, TS. Hoàng Xuân Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền các tài liệu và định hướng chiến lược rõ ràng cho nông nghiệp nước nhà.
Theo đó, ông Trường đề xuất 5 chiến lược quan trọng: Đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu hạn, chịu mặn, đồng thời áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình.
Đầu tư cho khâu bảo quản và chế biến, nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và gia tăng năng lực dự trữ cho các doanh nghiệp. Việc phát triển các mô hình hợp tác xã cũng là một yếu tố then chốt, giúp nông dân kết nối và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Ông Trường cũng khuyến nghị xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Điều này bao gồm việc tạo lập mã vùng trồng lúa cho xuất khẩu và chỉ dẫn địa lý nhằm bảo hộ nhãn hiệu cho gạo Việt.
Cuối cùng, ông đề xuất phát triển mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, thân thiện với môi trường để đảm bảo ngành lúa gạo không chỉ tăng trưởng mà còn đóng góp tích cực vào bảo vệ hệ sinh thái.
Đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giống lúa mới theo hướng chất lượng và bền vững hơn, điển hình là các giống Gia Lộc 601 và HD12.
Những giống lúa này có đặc tính ưu việt, đáp ứng tốt nhu cầu làm nguyên liệu cho sản xuất bún, bánh, giúp sợi bún và bánh dẻo dai, chất lượng.
Đại diện đến từ các địa phương cũng bày tỏ mong muốn có thêm thông tin về công nghệ chế biến lúa gạo để có thể khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa có năng suất và chất lượng phù hợp cho chế biến sâu.
Chế biến gạo của Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh hơn, với 3 cấp. Cấp 1: Sơ chế là giai đoạn thu hoạch, phơi sấy, xát gạo…; Cấp 2: Chế biến thứ cấp, là giai đoạn chế biến gạo để sản xuất bánh, mì, bún, phở... và các sản phẩm khác; Cấp 3: Chế biến sâu là phân lập phát hiện ra các chất hữu ích, quý hiếm ở trong sản phẩm gạo.