Dân Việt

Trà Vinh đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huỳnh Xây 11/10/2024 14:48 GMT+7
Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hoàn thành 177 công trình cơ sở hạ tầng các loại, duy tu, bảo dưỡng 83 công trình và 6 chợ.

Đầu tư hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu

Trong những năm qua, Trà Vinh triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Đặc biệt là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình MTQG 1719.

Trà Vinh đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hoàn thành 177 công trình cơ sở hạ tầng các loại, duy tu, bảo dưỡng 83 công trình và 6 chợ. Ảnh: H.X

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh có kế hoạch đầu tư xây dựng mới 197 công trình cơ sở hạ tầng các loại; duy tu, bảo dưỡng 97 công trình; cải tạo nâng cấp mạng lưới 7 chợ vùng đồng bào DTTS. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 177 công trình cơ sở hạ tầng các loại, 83 công trình duy tu, bảo dưỡng và 6 chợ vùng đồng bào DTTS. Tổng kinh phí thực hiện dự án được Trung ương phân bổ trên 307 tỷ đồng.

Khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, người dân thuận tiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS theo đó từng bước được bước khởi sắc, góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phường.

Để việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đạt hiệu quả cao, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư ở các xã vùng đồng bào DTTS. Qua đó, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, cây trái, hoa màu và ngày công lao động.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nói trên góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.

Được biết, thời gian qua, trong quá trình triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, ngành chuyên môn còn tổ chức 130 lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, giám sát cũng như lựa chọn nơi triển khai dự án.

Do vậy, cán bộ cơ sở lựa chọn danh mục công trình đầu tư rất hợp lý và tham gia tốt hơn trong quá trình giám sát cộng đồng, lựa chọn đối tượng hưởng lợi.

5 bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS

Những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như sau:

Thứ nhất, chính sách khi được ban hành phải có hướng dẫn kịp thời, đồng bộ, đầy đủ và rõ ràng, đảm bảo phân bổ đủ nguồn lực. Đồng thời, thực hiện tốt công tác lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách khác đầu tư trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Trà Vinh đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, giám sát cũng như lựa chọn nơi triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Ảnh: H.X

Thứ hai, dự án đạt được hiệu quả đòi hỏi trước hết là phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể ở cơ sở thông qua việc xây dựng các chương trình, kế hoạch chỉ đạo cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá hiệu quả và mục tiêu đạt được, chưa đạt được để có hướng chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.

Thứ ba, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng về cơ chế quản lý, điều hành, giám sát trong triển khai thực hiện chương trình, giúp cho cộng đồng có ý thức trách nhiệm, từ đó tham gia tích cực thực hiện và giám sát tốt dự án.

Thứ tư, về quy trình xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình, địa điểm xây dựng dựa trên cơ sở ý kiến của đại đa số người dân địa phương hưởng lợi từ dự án thông qua các cuộc họp dân và có biên bản cụ thể thông qua HĐND cấp xã trước khi trình UBND huyện phê duyệt.

Thứ năm, đối với người dân địa phương được tham gia ý kiến trong các cuộc họp lập kế hoạch, tham gia xây dựng, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện dự án cần hưởng ứng tích cực thể hiện qua việc tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây trái, hoa màu nơi có công trình đi qua. Mặt khác, người dân trong tham gia thực hiện, giám sát công trình phải có ý thức cao nhằm giúp công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng được lâu dài và thiết thực.