Dân Việt

Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM: Tội phạm kinh tế, tham nhũng hầu hết là "cổ cồn trắng"

Xuân Huy 11/10/2024 12:43 GMT+7
Theo lãnh đạo VKSND TP.HCM, tội phạm tham nhũng, kinh tế hầu hết là những người nắm rõ các quy định của pháp luật. Từ đó, họ đã có những biện pháp tẩu tán tài sản cho người thân, người khác đứng tên.

Sáng 11/10, ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cho biết, các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Do đó, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng từ cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Đây là phát biểu của ông tại buổi tọa đàm về giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, Ban Nội chính Thành ủy cùng nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.

Kê biên nhiều tài sản trong các vụ án lớn

Theo ông Châu, thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại từng địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập. TP.HCM cũng triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong xử lý, thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM: Tội phạm kinh tế, tham nhũng hầu hết là "cổ cồn trắng" - Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM. Ảnh: BTC.

"Chúng ta đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng. Tiêu biểu là vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát", ông Ngô Minh Châu chia sẻ.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho rằng, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP.HCM còn gặp nhiều thách thức. Buổi tọa đàm hướng tới việc nhận diện khó khăn, thách thức, trong công tác này và tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng.

Tội phạm kinh tế, tham nhũng hầu hết là "cổ cồn trắng"

Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM, đã chỉ ra những hành vi tẩu tán tài sản của các tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực và giải pháp mới của các cơ quan trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

"Các đối tượng tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực hầu hết là "cổ cồn trắng", nắm rõ các quy định của pháp luật. Từ đó, họ đã có những biện pháp tẩu tán tài sản cho người thân, người khác đứng tên. Việc truy xét dòng tiền, tài sản là nhiệm vụ hàng đầu cho các cơ quan tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Vụ án chỉ được xử lý toàn diện khi tất cả tài sản liên quan được truy xét, thu hồi", lãnh đạo VKSND TP.HCM nhận định.

Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM: Tội phạm kinh tế, tham nhũng hầu hết là "cổ cồn trắng" - Ảnh 2.

Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM. Ảnh: BTC.

Trong quá trình truy tố, VKSND TP.HCM đã đặt vấn đề về việc thuyết phục bị can nộp lại tài sản phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Năm 2024, VKSND TP.HCM có các văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự và các chi cục đề nghị thu hồi tài sản từ người thân bị can, các bị can được tại ngoại để xem xét, đề xuất theo chính sách khoan hồng, chính sách ân xá.

"Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm đã thu hồi được gần 8 tỷ đồng sau những lần vận động của các cơ quan kiểm sát. Việc vận động họ được thực hiện ngay trong quá trình thực hiện quyền công tố tại tòa, các bị can đã thành khẩn, nộp lại tài sản thất thoát và gia đình họ cũng có nhiều biện pháp khắc phục", ông Ngô Phạm Việt chia sẻ.

Phó viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết, sau khi bàn bạc với cơ quan điều tra, các cơ quan đưa ra một giải pháp khác khiến các đối tượng phạm tội e ngại là nếu xác định rõ hành vi tài sản, không có ý chí khắc phục thì sẽ bị điều tra, truy tố tội danh rửa tiền.

Lãnh đạo VKSND TP.HCM cũng yêu cầu kiểm sát viên kiểm soát các biện pháp ngăn chặn giao dịch, phong tỏa tài khoản, khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, tạm hoãn xuất cảnh, trưng cầu giám định, định giá tài sản, xác minh quyền sở hữu tài sản liên quan đến hành vi phạm tội, việc chuyển dịch các tài sản này, trước, trong, sau thời gian phạm tội. Qua đó, các cơ quan có thể kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp.