Bối cảnh đất nước mở cửa, nhiều đề bài đặt ra là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân Việt vươn lên phát triển.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến nay Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Riêng trong 9 tháng đầu năm, có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Hiện, Việt Nam có những thế hệ doanh nhân lớn, tầm cỡ, đã xuất hiện những doanh nghiệp, doanh nhân có tầm ảnh hưởng khu vực, thế giới. Tuy nhiên, sự lớn mạnh, mức độ ảnh hưởng vẫn nhỏ so với khu vực và yêu cầu đòi hỏi của đất nước.
Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Cũng theo Bộ KH&&ĐT đến hết năm 2023, tổng tài sản của 12 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được ước tính khoảng 70 tỷ đô la, chỉ bằng tài sản của một tập đoàn nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn “nghèo” so với số vốn hóa của các doanh nhân trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia.
Dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dù phát triển so với trước song, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, tồn tại, đơn cử như phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế.
Doanh nghiệp Việt còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mới đây, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, doanh nhân Việt ngày càng tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.
“Ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng đề nghị, doanh nhân Việt Nam chia sẻ về những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng, những băn khoăn, trăn trở với sự phát triển của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định so với trước đây, hiện nay Việt Nam đã có những tầng lớp doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, dám đi vào những ngành nghề khó, cốt lõi mà đất nước không có thế mạnh như luyện kim, công nghệ thông tin và cơ khí chính xác, điện tử ô tô.
Đó là thể hiện khát vọng vươn lên của doanh nghiệp Việt, cũng thể hiện quan điểm đổi mới của đất nước từ Đại hội lần VI năm 1986, và hàng loạt các chính sách, luật ra đời như Luật Doanh nghiệp 1995, 2000, 2005… đã mở đường cho sự phát triển của thế hệ doanh nhân đầu tiên (hay còn gọi là doanh nhân F1).
Tuy nhiên, nhiệm vụ mới và sứ mệnh mới đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần bứt phát hơn nữa, phát triển hơn nữa để theo kịp thời đại, để không bị bỏ lại sau trước khi nghĩ đến có thể vượt qua được họ. Đó là thay đổi nhanh chiến lược kinh doanh, đi vào công nghệ, con người, an toàn môi trường, sản xuất xanh - bền vững…
Muốn có được tầng lớp doanh nghiệp tiếp theo, cũng đòi hỏi cơ chế quản lý, mô hình quản trị đất nước phải đổi mới mạnh mẽ. Đồng thời, tinh giản bộ máy, thực thi công vụ tốt hơn, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển và xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển để phục vụ.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Kinh tế tư nhân - 1 động lực chủ yếu của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế. Thay đổi về luật pháp, tư duy chính trị đã làm thay đổi tạo ra khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, từ chỗ không có gì, đến nay chúng ta có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, mục tiêu 1,5-2 triệu doanh nghiệp. Ông cho rằng, mục tiêu này cần thiết, "có lượng mới có chất".
“Phải nói rằng, kinh tế tư nhân len lỏi vào tất cả những vùng miền kinh tế quốc gia; ở tất cả lĩnh vực, cung cấp tất cả các loại dịch vụ, hàng hóa phục vụ cho người dân. Chúng ta cũng không thể hình dung được nếu thiếu kinh tế tư nhân, cuộc sống chúng ta sẽ ra sao!?”, TS Cung khái lược.
Theo ông Cung, một đất nước muốn phát triển, trở nên hùng cường, nền kinh tế có thể cạnh tranh với nước ngoài… phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. “Nếu thiếu đi, nền kinh tế thì nền kinh tế sẽ không bền vững. Chúng ta hiện nay thực sự chưa bền vững”, TS Cung phân tích.
Ông nói rằng, khu vực doanh nghiệp FDI "đến rồi lại đi", bài toán của họ là lợi nhuận. Chúng ta bên cạnh việc vẫn chào đón và mời FDI vào phát triển, nhưng cần phải làm rõ, rạch ròi là FDI vào Việt Nam không phải để xây dựng Việt Nam hùng cường, mà phải là tư nhân trong nước.
“Những thứ đó phải khắc sâu vào tâm trí, đặc biệt là những người lãnh đạo. Chúng ta vẫn cần và chào đón FDI, liên doanh, liên kết nhưng phải luôn xác định họ ở đây không vì hùng cường của quốc gia, dân tộc, họ đến đầu tiên là vì lợi nhuận. Cho nên muốn đất nước hùng mạnh, chúng ta bắt buộc phải xây dựng đội ngũ doanh nhân hùng mạnh”, ông Cung nói.
Theo ông Cung, bây giờ chúng ta có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân mạnh so với trước, nhưng so với mong muốn, tiềm lực và so với khu vực, chúng ta còn thấp xa, rất xa.
Ông cho rằng, đầu tiên phải tiếp tục cải cách chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, lần này phải quyết liệt.
“Tham nhũng hiện nay nhiều, do nền kinh tế chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường nhưng quản lý Nhà nước không chuyển đổi theo kịp xu thế vận động của kinh tế thị trường. Nhà nước đang có quá nhiều thứ để xin, để cho, thì đương nhiên quyền lực, quyền lợi và tham nhũng", TS Nguyễn Đình Cung cho hay.