William Sebold không bao giờ lên kế hoạch trở thành một điệp viên, nhưng số phận luôn có những kế hoạch khác nhau dành cho mỗi người cụ thể. Và số mệnh lịch sử đã đặt lên vai William Sebold.
William Sebol sinh ra ở Đức và chiến đấu cho Đức trong Thế chiến I, nhưng trở thành công dân Mỹ nhập tịch sau khi sống và làm việc ở Mỹ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào đêm trước Chiến tranh thế giới lần 2, Đức Quốc xã đã ép buộc Sebold gián điệp tại các nhà máy sản xuất của Mỹ.
Sau đó, Sebold lật ngược tình thế, bí mật liên kết với Mỹ và bắt đầu hạ gục các điệp viên Đức Quốc xã. Hơn 60 năm sau, di sản của Sebold luôn được người Mỹ ghi nhớ với tư cách là điệp viên hai mang đã đánh sập mạng lưới gián điệp Đức Quốc xã lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
William Sebold - sinh năm 1899 tại Mülheim, Đức - di cư sang Mỹ ở tuổi 22, chỉ 3 năm sau khi phục vụ trong quân đội Đức trong Thế chiến I. Đó là năm 1921, và nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ. Sebold tìm được công việc tại nhà máy sản xuất máy bay công nghiệp đang phát triển của Mỹ, nơi ông có được cái nhìn nội bộ về hoạt động sản xuất của Mỹ.
Đến năm 1936, Sebold trở thành công dân nhập tịch Mỹ. Đất nước quê hương Sebold đang rơi vào tay Adolf Hitler, nhưng ông không muốn trở thành một phần trong đó. Tuy nhiên, Sebold đã trở lại Đức vào tháng 2/1939 để thăm mẹ của mình ở Mülheim.
Nước Đức lúc bấy giờ đang trên bờ vực chiến tranh: Hitler yêu cầu Tiệp Khắc giảm quy mô quân đội và loại bỏ người Do Thái; Đức Quốc xã thành lập Văn phòng Trung ương Quốc gia về người Do thái Di cư, và Hitler tuyên bố sẽ loại bỏ người Do Thái nếu "các nhà tài chính Do Thái quốc tế" đe dọa một cuộc chiến tranh thế giới khác.
Khi trở về quê hương vào năm 1939, Sebold cảm thấy như mình đang đến một nước Đức rất khác so với nơi ông đã rời đi vào đầu thập niên 1920 - một thực tế mà ông phải đối mặt ngay lập tức. Một thành viên của cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo nói với Sebold ngay tại sân bay Hamburg rằng ông sẽ được Gestapo liên lạc trong tương lai gần. Sebold lưu ý điều đó, và sau đó tiếp tục về quê nhà, nơi anh tìm được việc làm.
Bất chấp cuộc gặp mặt với người đàn ông bí ẩn tại sân bay, Sebold sống ở Mülheim mà không gặp sự cố nào cho đến tháng 9/1939. Đến lúc đó, Đức Quốc xã đã xâm chiếm Tiệp Khắc và sáp nhập các phần của Litva. Hitler đã bắt đầu một chương trình "euthanasia" (chết không gây đau đớn), và buộc người Do Thái vào các trại tập trung. Và sau đó, Đức xâm chiếm Ba Lan, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới.
Không lâu sau, một người đàn ông được xác định là Tiến sĩ Gassner đã tới Mülheim và thẩm vấn Sebold về các máy bay và thiết bị quân sự của Mỹ. Trong các chuyến thăm tiếp theo, Gassner thuyết phục được Sebold bằng cách đe dọa liên tục và buộc ông gia nhập Đế chế thứ ba với tư cách là một điệp viên khi trở về nước Mỹ.
Nhưng sự sắp xếp đó không bao giờ thực sự có được kết quả tốt đẹp. Sau các cuộc họp với Gassner, Sebold đã bị đánh cắp hộ chiếu, buộc ông phải đến Lãnh sự quán Mỹ ở Cologne để lấy giấy tờ mới. Và tại lãnh sự quán Mỹ, Sebold thú nhận hết mọi chuyện với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Sebold nói với họ mọi thứ ông biết và thông báo muốn làm việc với người Mỹ như một điệp viên hai mang để giúp triệt phá mạng lưới gián điệp Đức Quốc xã khi trở về Mỹ.
Cuối cùng, William Sebold trở thành điệp viên hai mang đầu tiên của Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần 2. Sebold trở lại thành phố New York vào ngày 8/2/1940, với một nhiệm vụ gian khổ và mang tên giả là Harry Sawyer. Vào thời điểm đó, ý định thống trị toàn cầu của Đức đã rõ ràng. Châu Âu đã có chiến tranh.
Fritz Duquesne (tên thật là Fritz Joubert Marquis du Quesne) chào đời trong một nông trại trên bờ biển miền nam Nam Phi năm 1877 và học trung học ở Anh. Khi chiến tranh giữa Nam Phi và Anh nổ ra vào mùa thu năm 1899, Duquesne trở về quê hương để chiến đấu. Sau khi mẹ và em gái bị bắt, Duquesne cải trang thành một nhà nghiên cứu khoa học, cài bom hẹn giờ trên nhiều tàu Anh và đánh chìm chúng.
Sau khi được thăng cấp đại úy, Duquesne chỉ huy một đơn vị biệt kích tấn công nhiều chuyến tàu hỏa Anh. Duquesne từng bị người Anh bắt giữ 3 lần và lần nào cũng trốn thoát được.
Từ đó, người Anh gán cho Duquesne biệt danh "Báo đen trên thảo nguyên" và đặt mục tiêu ám sát kẻ đã tiến hành rất nhiều chiến dịch thù địch chống lại chính quyền Anh dưới những tên giả như: Fred, Fredericks, đại tá Claude Staughton, đại tá Bezan, von Ricthofen, Piet Niacus v.v…
Không chỉ là một chiến binh đáng sợ mà Duquesne còn là nhà thám hiểm và thợ săn tài ba. Trong một lần giả dạng sĩ quan Anh ám sát hụt tổng tư lệnh quân đội Anh ở Nam Phi là tướng Herbert Horatio Kitchener, Duquesne bị bắt giam tại Bermuda.
Lần này, Duquesne cũng trốn thoát và men theo đường biển đến Mỹ, trở thành công dân nước này. Khi Chiến tranh thế giới lần 1 nổ ra năm 1914, Duquesne tiếp tục âm mưu giết tướng Kitchener, lúc này là Bộ trưởng Chiến tranh của chính quyền Anh, song vẫn gặp thất bại. Trong cuộc chiến, Duquesne được tình báo Đức tuyển mộ.
Nhờ lập nhiều chiến công mà Duquesne được trao tặng Huân chương Chữ Thập sắt của Đức. Năm 1937, Cơ quan tình báo quân đội Đức Quốc xã (Abwehr) giao cho Duquesne nhiệm vụ tổ chức mạng lưới gián điệp hoạt động ngầm trên đất Mỹ chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới lần 2.
Trong vài tháng đầu tiên xâm nhập vào Mỹ, Duquesne đã lấy được bí mật liên quan đến những chiếc máy ngắm ném bom sử dụng trên máy bay chiến đấu của Mỹ.
Với mật danh Dunn, Duquesne thành lập mạng lưới gián điệp gồm 33 thành viên tìm kiếm thông tin về vũ khí của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh nước này. Mạng lưới của Duquesne thu thập nhiều chi tiết về một số vũ khí quan trọng như thiết bị điều khiển ném bom trên máy bay chiến đấu, thiết kế mặt nạ chống khí độc, các khí tài được kiểm soát bằng radio, bể chứa nhiên liệu chống rò rỉ…
Từ cuối những năm 1930, một số thành viên của Duquesne làm việc trên các tàu buôn và hãng hàng không của Mỹ với nhiệm vụ làm liên lạc viên, trong khi những người khác thu thập các tin tức tình báo bằng cách đóng giả những nhà thầu quân sự.
Khi tình hình trở nên căng thẳng ở châu Âu, Abwehr cần thêm người hoạt động gián điệp ở Mỹ và đối tượng được chọn là William Sebold, một người Mỹ gốc Đức. Abwehr giao cho Sebold - với tên giả là Harry Sawyer - liên lạc với Duquesne và mạng lưới gián điệp của người này để thu thập thông tin mật chuyển về Đức.
Nhưng Sebold đã âm thầm tiết lộ kế hoạch của Abwehr với FBI. Từ tháng 2/1940, Harry Sawyer trở thành điệp viên hai mang đầu tiên của FBI giúp phá vỡ mạng lưới Duquesne của Đức Quốc xã. Do lo sợ gián điệp điện tử, Duquesne luôn từ chối lời mời đến văn phòng của Sebold ở Manhattan. Cuối cùng, vào ngày 25-6-1941, Duquesne rơi vào bẫy và bị FBI bắt giữ cùng với toàn bộ thành viên mạng lưới gián điệp.
Khi Sebold, sống với bí danh Harry Sawyer, đến thành phố New York, FBI cho ông làm việc với tư cách là một nhà tư vấn kỹ thuật động cơ diesel.
Ở đó, Sebold có thể dễ dàng kết nối với các thành viên của nhóm gián điệp Duquesne mà các quan chức Đức Quốc xã không nhận ra rằng ông hiện đang thực sự làm việc cho FBI. Sebold làm việc trực tiếp với đặc vụ FBI James Ellsworth, nhưng các báo cáo của Sebold đã đi thẳng vào tai của Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, và từ đó đến chính Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.
Sebold nhúng mình sâu vào mạng gián điệp của Đức Quốc xã mà Duquesne đã xây dựng và có được sự tin tưởng của Duquesne và những người quản lý ông ở Đức. Cuối cùng, Sebold đã thuyết phục những người quản lý người Đức của mình về sự cần thiết phải có một đường dây liên lạc trực tiếp từ Mỹ đến Đức, vì vậy họ đã thiết lập một điểm điện báo ở Centerport, Long Island.
Điều mà những người quản lý người Đức không biết là Sebold cho phép FBI bí mật truy cập vào đường dây liên lạc đó. Vào tháng 5/1940, FBI bắt đầu xâm nhập vào đường dây liên lạc này. Trong 16 tháng, FBI đã nghe hơn 300 tin nhắn được gửi từ các điệp viên Đức Quốc xã ở Mỹ đến Đức và khoảng 200 được gửi theo hướng khác. Chiến dịch triệt phá mạng lưới gián điệp Đức Quốc xã lớn nhất ở Mỹ đang ngày càng gần hơn.
Vào ngày 28/6/1941, công việc của Sebold bắt đầu. Một cuộc vây bắt phối hợp có sự tham gia của 250 đặc vụ FBI đã đồng thời tóm gọn các điệp viên Đức Quốc xã từ các địa điểm tương ứng của họ. Mạng lưới gián điệp Duquesne bị tuyên án tổng cộng hơn 300 năm tù giam, trong đó Duquesne lĩnh 18 năm tù. Lần này, Duquesne đã 64 tuổi và không trốn thoát khỏi nhà tù được nữa. Duquesne bị giam tại nhà tù liên bang Leavenworth ở bang Kansas cùng với một gián điệp Đức khác tên là Hermann Lang.
Năm 1945, Duquesne được chuyển đến một bệnh viện nhà tù do có vấn đề về sức khỏe. Năm 1954, Duquesne được thả vì bệnh tật sau khi thụ án được 14 năm. Duquesne qua đời do đột quỵ tại bệnh viện trên Đảo Welfare (sau đổi tên thành Đảo Roosevelt) thuộc thành phố New York vào ngày 24/5/1956 ở tuổi 78. Có 33 người bị buộc tội, 16 người trong số họ nhận tội. 17 người còn lại bị kết án trong phiên tòa ngày 13/12/1941 - tức 6 ngày sau trận Trân Châu Cảng và một ngày sau khi Hitler tuyên chiến với Mỹ.
Sau khi hoàn tất nghĩa vụ đối với đất nước nhận nuôi của mình, Sebold di chuyển đến California với một phiên bản đầu tiên của những gì mà chúng ta biết bây giờ là "chương trình bảo vệ nhân chứng".
Nhưng vai trò một điệp viên hai mang đã ám ảnh Sebold cả về tinh thần và thể xác sau đó - gia đình ông ở Đức thỉnh thoảng báo với ông rằng Đức Quốc xã sẽ xử tội vì sự phản bội. Năm 1965, nghèo khó và hoang tưởng, Sebold được đưa vào Bệnh viện bang Napa với chẩn đoán mắc chứng bệnh hưng trầm cảm. Năm 1970, Sebold qua đời sau một cơn đau tim.
Câu chuyện của William Sebold được kể trong Cuốn sách "Double Agent: The First Hero of World War II and How the FBI Outwitted and Destroyed a Nazi Spy Ring" (tạm dịch: Điệp viên hai mang: Anh hùng đầu tiên trong Chiến tranh thế giới lần 2 và FBI đã đánh lừa và hủy diệt Mạng lưới gián điệp Đức Quốc xã như thế nào) của tác giả Peter Duffy xuất bản ngày 7/7/2015.