Tạp chí Politico cho biết, các bộ trưởng quốc phòng NATO họp vào tuần tới sẽ bắt đầu xem xét lại chính sách kéo dài hàng thập kỷ của liên minh này về quan hệ với Nga.
Quan hệ NATO-Nga đã chạm đáy sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ năm 2022. NATO dán nhãn Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của Đồng minh", trong khi Điện Kremlin tuyên bố rằng sự bành trướng về phía đông của NATO là mối nguy hiểm hiện hữu.
Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi về giọng điệu, NATO vẫn duy trì "Đạo luật sáng lập" với Nga. Đây là một văn bản được ký vào năm 1997, sáu năm sau khi Liên Xô sụp đổ, quy định mục tiêu chung là "xây dựng một châu Âu ổn định, hòa bình và không chia cắt".
Hội đồng NATO-Nga, một cơ quan được thành lập sau Chiến tranh Lạnh để hợp tác về các vấn đề an ninh và các dự án chung, đã không họp kể từ năm 2022. Mối quan hệ đã xấu đi dần dần trong nhiều năm, khi bùng phát cuộc chiến Gruzia vào năm 2008 rồi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 và xung đột ở miền Đông Ukraine.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với các phóng viên hôm 11/10 rằng các nước NATO hiện đang trong quá trình cố gắng "vạch ra các yếu tố khác nhau của chiến lược đối với Nga và thúc đẩy các cuộc tranh luận bên trong liên minh, đưa chúng ta đến các vấn đề như tương lai của Đạo luật thành lập NATO-Nga".
"Đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược mới về lập trường cụ thể của các đồng minh", vị quan chức này cho biết.
Trong khi các cuộc thảo luận chính thức cấp thấp đã diễn ra trong nhiều tháng, cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tuần tới sẽ là vòng đầu tiên trong một vài vòng thảo luận cấp bộ trưởng về chủ đề này.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Washington, các đồng minh đã nhất trí lập ra một chiến lược NATO - Nga mới tại hội nghị thượng đỉnh liên minh tiếp theo, được tổ chức tại The Hague vào tháng 6/2025.
Quan chức Mỹ nói thêm: "Hiện tại, chúng ta phải có sự hiểu biết trên toàn liên minh ... rằng Đạo luật sáng lập và Hội đồng NATO - Nga được xây dựng cho một kỷ nguyên khác, và tôi nghĩ các đồng minh đã sẵn sàng nói rằng đó là một kỷ nguyên khác trong mối quan hệ của chúng ta với Nga, và do đó, điều gì đó mới mẻ là xứng đáng".
Quan chức này cho biết hiện vẫn chưa có bản thảo nào về chiến lược mới vì trọng tâm là thu thập quan điểm của 32 nước NATO. Ông mô tả chiến lược này là một "cuộc tập trận chính trị" và tác động quân sự của nó dự kiến sẽ bị hạn chế.
Các nước NATO vẫn có sự khác biệt về việc NATO nên đi xa đến mức nào để tạo ra một bộ quy tắc mới liên quan Nga. Một nhà ngoại giao NATO cho biết có lo ngại giữa một số thành viên rằng một chiến lược mới rất hung hăng có thể gửi một "tín hiệu" có thể làm mất ổn định Nga.
Ngoài ra, Hungary và Slovakia, hai quốc gia NATO đang phá vỡ quan hệ với các nước còn lại trong liên minh bằng cách tiếp tục duy trì liên lạc với Điện Kremlin và nhìn thấy giá trị chiến lược trong việc hợp tác với Nga.
Đầu tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho biết NATO không còn che giấu sự thật rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Moscow. Các phương án khả thi để chống lại Nga đang liên tục được đưa ra trong khối, ngân sách quân sự của các quốc gia thành viên đang được tăng cường và các nền kinh tế phương Tây đang được quân sự hóa, ông cho biết.