Ngày 11/10, thông tin từ Công an huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) cho biết, công an huyện vừa khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp Nguyễn Việt Đức (38 tuổi, trú xã Kim Hoa, Mê Linh) để điều tra hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2000 đến nay, người dân thôn Phù Trì (xã Kim Hoa) chuyển đổi mô hình trồng cây nông nghiệp sang trồng cây đào cảnh, nhiều khu vực trồng đào có giá trị cao và 1 đến 2 năm mới thu hoạch được.
Sáng 5/10, người dân thôn Phù Trì phát hiện tại đồng Bãi Trại và Đông Giêng có nhiều vườn đào bị phá hoại. Hàng trăm cây đào bị bẻ gãy cành và mầm cây…
Thống kê thiệt hại cho thấy, có 28 hộ dân bị thiệt hại, với khoảng 350 cây đào bị phá, tổng giá trị ước tính ban đầu khoảng hơn 900 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Mê Linh xác định Đức và một nam giới khác tên V. trong diện nghi vấn.
Ngày 10/10, công an đã triệu tập những người này lên làm việc. Tại trụ sở công an qua đấu tranh, Đức khai bản thân trú thôn Phù Trì, gia đình trồng cây đào cảnh. Đợt mưa bão vừa qua, vườn đào của Đức bị ảnh hưởng, mất giá trị thẩm mỹ cũng như kinh tế.
Do đó Đức ghen tức với các hộ khác có vườn đào đẹp, giá trị cao và sợ đào của mình Tết này sẽ không bán được vì xấu, nên nảy sinh ý định hủy hoại vườn đào của hàng xóm. Sau khi uống rượu, khoảng 1 giờ ngày 5/10, Đức và V. đã rủ nhau đến các vườn đào để bẻ gãy các ngọn cây đào.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, theo quy định của pháp luật, cây trồng, trong đó có cây cảnh là tài sản, thậm chí là tài sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập của nhiều người lao động.
Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân, bởi vậy mọi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi phạm tội của các đối tượng trên là cố ý, mong muốn hậu quả thiệt hại cho người khác xảy ra và gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178, Bộ luật hình sự 2015 về Tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo đó, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc là phương tiện kiếm sống của nạn nhân hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến mức cao nhất là 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo luật sư Cường, một điều cũng đáng chú ý trong vụ việc này là bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được động cơ phạm tội đó là vì ghen tị với gia đình hàng xóm, bản thân gia đình đối tượng này cũng trồng cây cảnh nên hiểu rất rõ về giá trị của cây cảnh, về mức độ thu nhập của những loại cây này. Bởi vậy, vì ích kỷ mà thực hiện hành vi phá hoại thì người phạm tội có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tính chất đê hèn.