Trước thềm Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX, chia sẻ với PV Dân Việt, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), người 2 lần nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc - nêu một thực trạng mà ông nhận thấy vướng mắc lâu nay ở Long An cũng như ở một số địa phương.
Cụ thể, từ hơn 20 năm trước là thời điểm đất đai cần người sản xuất, Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương có chính sách vận động thành lập các nông trường, lâm trường..., sau đó vận động người dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm. Đất đai khi đó bạc màu, nông dân trồng lúa hay cây ăn trái đều phải đầu tư rất nhiều công sức, vốn liếng để cải tạo.
Sau đó, mô hình nông, lâm trường quản lý không hiệu quả, rơi vào giai đoạn thoái trào và cuối cùng giải thể, chuyển về địa phương quản lý. Trong khi đó, người nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương.
Theo quy định mới, việc thuê đất nông, lâm trường này cũng phải đấu giá, nhưng các địa phương đang rất khó thực hiện việc đấu giá. Nguyên nhân là vì người nông dân (đang thuê đất trước đó) đã đầu tư cải tạo đồng ruộng, xây dựng chỉnh trang mặt bằng rất tốn kém, thậm chí họ bỏ rất nhiều tiền khai hoang, trong khi muốn đấu giá thì phải thu hồi đất.
"Điều này đang gây khó khăn cả cho phía chính quyền địa phương và bà con nông dân. Do vậy, tôi kiến nghị Nhà nước và các bộ ngành liên quan cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân", ông Huy nói.
Cũng từ vướng mắc nói trên, ông Võ Quan Huy cho rằng có thể tận dụng những hộ đang canh tác để thành lập HTX sản xuất nông nghiệp (làm lúa, cây ăn trái, trồng rừng...), từ đó tổ chức sản xuất theo quy hoạch. Theo ông Huy, đây là một cơ hội để phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và có ý nghĩa chính trị rất lớn, đóng góp nhiều hơn vào thành tựu của ngành nông nghiệp, do vậy ông Huy rất mong lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét quy chế sử dụng đất loại này.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, ông Huy cho biết, hiện bản thân ông đang thực hiện mô hình liên kết trồng chuối Nam Mỹ với hơn 10 hộ nông dân, quy mô hơn 100ha. Cùng với diện tích đang có của mình khoảng 500ha, ông Huy dự kiến năm 2024 sẽ thu hoạch khoảng 30.000 tấn chuối. Trong đó, 95% sản lượng chuối của Công ty được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản còn lại là cung ứng cho các siêu thị tại Việt Nam.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số, Trưởng ban Công tác kết nối Tiểu ban nông nghiệp, thuỷ sản (EuroCham), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, trong hơn 900.000 doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động thì ước tính chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành nông nghiệp còn rất khiêm tốn.
Một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp chưa thể vươn vai để trở thành "đầu tầu" cho lĩnh vực nông nghiệp là do một số chính sách trong nông nghiệp và nông thôn đã tới giới hạn, thậm chí một số chính sách đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Hùng dẫn chứng từ câu chuyện thực tế tại các dự án chăn nuôi quy mô lớn của Tập đoàn Hùng Nhơn. Thực hiện cam kết đầu tư xây dựng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2030, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã thống nhất đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh với tổng mức vốn dự kiến gần 10.000 tỷ đồng.
"Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ lãnh đạo chính quyền và các sở ban ngành tại địa phương. Dự án đã được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 26/10/2022, đã hoàn thành giao đoạn 1 và hoạt động từ quý II/2024. Tuy nhiên, gần đây khi Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024 thì chúng tôi gặp một số vướng mắc ở các dự án đang xin chủ trương" - ông Hùng thông tin.
Cụ thể, tại điểm d Khoản 1 Điều 9 quy định mới về phân loại đất, trong đó có định nghĩa về "đất chăn nuôi tập trung" được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/07/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, cụ thể: "Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định pháp luật về chăn nuôi". Trong khi trước đây được xác định mục đích sử dụng đất là "Đất nông nghiệp khác".
Ông Hùng cho biết, việc chuyển đổi sang hình thức sử dụng đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ mất rất nhiều thời gian do phải thống kê, kiểm kê hiện trạng, lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, khó có thể đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ đã cam kết với các đối tác đầu tư nước ngoài (Hà Lan, Bỉ, Nhật), ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam.
"Mặc dù những vướng mắc của chúng tôi đang dần được tháo gỡ, tuy nhiên thực tế đang có không ít đơn vị khác trong lĩnh vực chăn nuôi gặp phải tình trạng khó khăn tương tự. Vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và hỗ trợ các phương án tốt nhất, giúp doanh nghiệp và người chăn nuôi sớm triển khai và đưa các dự án đi vào hoạt động" - ông Vũ Mạnh Hùng đề xuất.