Đường vào xã biên giới Chiềng On đã được trải nhựa phẳng lì. Con dốc 7 tầng khi xưa không còn là trở ngại nữa.
Từ bao đời nay, đây là nơi sinh sống của bà con người Mông, người Xinh Mun, người Thái. Suốt nhiều năm liền, họ vật lộn với cái ăn, cái mặc. Sau gần 2 thập niên, chúng tôi mới có dịp trở lại vùng biên ải này đã chứng kiến bao sự đổi thay.
Ở bản Đin Chí, chúng tôi có may mắn được gặp tỷ phú đầu tiên của người Mông. Đó là ông Vàng A Vạng.
Trồng mận trái vụ, trở thành tỷ phú của bản
Nhà ông Vạng ở gần đường cái, cách biên giới Việt - Lào không xa. Ngôi nhà bề thế mọc lên giữa bốn bề mây núi. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Vạng đang ở ngoài vườn. Mới chớm lạnh mà vườn mận đã nở hoa trắng muốt. Hương hoa mận quyện với hương rừng thoang thoảng đưa khiến lòng người khách lạ như nhẹ lại.
Hoa mận vốn nở vào đầu xuân, vậy mà vườn mận của ông Vạng đã thi nhau đua nở. Trên cành mận khẳng khiu, từng chùm hoa trắng tinh khôi, bung nở như một nét vẽ sống động trong bức tranh đìu hiu nơi thâm sơn cùng cốc khi chiều buông.
Ông Vạng có dáng thấp đậm, nước da nhuốm màu nắng gió đang từ trên dốc cao đi xuống. Trong bộ quần áo lao động, ông bước đi nhanh thoăn thoắt. Vẫn cái giọng nói tiếng phổ thông lơ lớ, ông Vạng vồn vã đón khách như đón người thân đi xa lâu ngày.
Ông đưa đôi bàn tay chai sần, thô ráp nắm lấy đôi tay của vị khách lạ và mở lời: "Nay cái nhà báo đến chơi, phải ở lại "hẩu chớ" (uống rượu) với gia đình nhé".
"Ông Vạng là người dám nghĩ, dám làm. Vui hơn cả là sự quyết tâm của ông là tấm gương để các hộ dân khác noi theo. Việc ông Vạng thành công xử lý cây mận ra trái vụ rất đáng mừng. Đây sẽ là hướng làm ăn có hiệu quả để bà con người Xinh Mun, người Mông học tập".
Chị Hoàng Thị Chuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng On
Tấm lòng hiếu khách, thịnh tình của ông Vạng khiến bao mệt mỏi của người khách lạ sau hành trình dài bỗng tan biến.
Đồi mận của ông Vạng nằm chênh vênh bên sườn núi. Nó dốc ngược làm chồn chân ngựa. Từng cây mận khỏe khoắn đã rụng gần hết lá nối nhau dài tít tắp.
Ông Vạng đi dưới vườn mận nở trắng hoa mà lòng mừng khấp khởi. Vừa đi ông Vạng vừa nói: "Năm nay tôi xử lý mận trái vụ, nó đang ra hoa đều như này là hứa hẹn một vụ mùa bội thu đấy".
Dưới tán vườn mận, từng gốc mận được ông Vạng chăm sóc vô cùng tỉ mỉ. Đất được xới tơi xốp, phân hữu cơ đã bón xong.
Đặc biệt là ở mỗi gốc mận được lắp một hệ thống tưới nước tự động. Từng gốc mận xù xì, khỏe khoắn được tỉa cành cẩn thận. Trên những cành chính đã rụng lá, từng chùm nụ đang nhú. Cây mận được tỉa tót theo chủ ý của người trồng, nên tán được kiểm soát tròn đều.
"Cây mận được trồng ở Sơn La nhiều. Tuy nhiên, mận chính vụ, bán không được giá. Năm ngoái tôi đã cất công tìm đến nhiều mô hình trồng mận trái vụ trong huyện, học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu tôi còn bỡ ngỡ lắm. Giờ vườn mận đã ra hoa theo đúng ý, tôi mừng lắm"- ông Vạng chia sẻ.
Đến nay, ông Vạng đã trồng được gần 2.000 gốc mận, trong đó có 600 cây mận đã cho thu hoạch. Theo ông Vạng trồng mận trái vụ bán được giá cao gấp 6 - 7 lần so với mận chính vụ. Năm 2024, gia đình ông đã thu được hơn 130 triệu từ vườn mận bói quả. Năm nay, theo dự tính của ông Vạng sản lượng và thu nhập sẽ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Việc xử lý cây mận ra hoa trái vụ cần đầu tư nhiều công sức và tiền của. Theo ông Vạng, điều kiện quyết định xử lý mận ra trái vụ là phải có nước.
Ông đã đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tự động hiện đại. Nước ông bơm cách vườn mận cả nửa cây số. Mỗi gốc mận có một vòi tưới tự động. Nhờ vậy mà cây mận được kích nước sớm hơn 3 tháng so với mận chính vụ.
Đầu tháng 9, người trồng sẽ phun chế phẩm sinh học bổ sung dưỡng chất cho cây. Ngoài ra, phải tỉa những cành vượt, việc này để dưỡng chất tụ lại ở những cành bánh tẻ. Sau hơn một tháng cắt tỉa, bón phân, thúc nước, cây mận sẽ bật nụ và ra hoa sớm.
Nhờ cách xử lý khoa học này mà đến đầu tháng 2, mận trái vụ đã chín. Giá bán rất cao 80.000 đồng/kg. "Cái hay của mận trái vụ là rất dễ bán. Thương lái tranh nhau mua. Năng suất chỉ kém mận chính vụ đôi chút"- ông Vạng chia sẻ.
Tỷ phú bản Mông có 3 máy xúc, 5 ôtô
Ông Vạng sinh ra ở bản Đin Chí - nơi biên giới Việt - Lào chất chứa bao khó nhọc. Gia đình ông đông anh em. Cũng giống bao gia đình người Mông khi đó, nhà ông thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống vất vả cứ lần hồi trôi qua.
"Ngày đó đường xá lên bản Mông chỉ là lối mòn. Mọi sự giao thương với thế giới bên ngoài đều dùng đôi vai người hoặc dùng ngựa thồ. Người Mông chỉ mong có đủ 3 bữa cơm no, không rơi vào cảnh đói giáp hạt là mừng lắm rồi"- ông Vạng nhớ lại.
Đến tuổi trưởng thành ông Vạng từng đi lính nghĩa vụ. Chính trong những ngày ở trong quân ngũ, ông Vạng đã rèn luyện được tính kỷ luật và học hỏi được nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.
Hết nghĩa vụ trở về quê hương, ông lấy vợ và nối nghiệp cái nghề bới đất lật cỏ của cha ông.
Bao khó khăn, nhọc nhằn cứ lần hồi trôi qua. Chàng trai người Mông năm nào đã nhận thấy việc không thể thoát nghèo bằng cách tra ngô, tỉa lúa trên nương được. Khi đường ô tô vào đến xã, ông Vạng đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy, thay vì ngày ngày thu hoạch ngô trên nương, ông vay tiền mua ô tô tải để thu mua ngô của bà con chở ra quốc lộ đổ hàng.
Theo ông Vạng, do bà con không có phương tiện, thường bán ngô tại bản với giá thấp. Giá ngô trên nương so với giá ngô ngoài thị trấn huyện chênh lệch nhau 4-5 giá. Từ khi ông có ô tô chở ngô đi bán, bà con người Mông ở bản Đin Chí bán ngô được giá hơn. Bà con vui, ông có công chở. Nhờ vậy mà cuộc sống dần thay đổi.
Suốt cả chục năm buôn ngô, ông Vạng dần tích lũy được lưng vốn. Ông mua thêm ô tô thuê người lái chở ngô đi bán. Hai chiếc xe tải đã giúp ông trở thành người giàu trong bản. Sẵn có lưng vốn, năm 2017 ông còn đánh liều mua chiếc máy xúc gần tỷ đồng để mở đường vào bản và san nền thuê cho bà con người Mông.
Buôn ngô, làm máy xúc, ông Vạng đều gặt hái được thành quả. Liên tiếp các năm sau đó, ông Vạng đã sắm thêm 2 chiếc máy xúc nữa.
Đội máy xúc đã "tung hoành" khắp các bản cao của con người Mông, người Xinh Mun ở Chiềng On. Suốt mấy năm qua, những chiếc máy này hoạt động hết công suất. Nó đi đến đâu là mang theo sự đổi thay đến đó. "Mỗi năm, tôi thu được cả nửa tỷ đồng từ 3 chiếc máy xúc này. Mình mạnh dạn đầu tư, giờ mình thu lại nguồn lợi nhuận lớn cho mình"- ông Vạng chia sẻ.
Có được lưng vốn, cái máu nông dân trong ông lại trỗi dậy. Vốn là người nhanh nhạy, nên ông đã quyết định chuyển toàn bộ 5ha ngô của gia đình sang trồng mận.
Trên những quả đồi dốc ngược, khô cằn, ông cần mẫn đào từng hố để đưa cây mận lên trồng. Suốt mấy năm cần mẫn, đầu tư, chăm bẵm, giờ 600 cây mận đã cho thu hoạch. Và chỉ sau 3 năm nữa, toàn bộ diện tích mận trên đồi sẽ cho thu hoạch. Theo nhẩm tính của ông Vạng, khi đó mỗi năm gia đình thu tiền tỷ là có trong tầm tay.