Đề xuất, tham mưu ban hành chính sách chưa chặt chẽ, xuất phát từ cấp địa phương
Nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện 10 Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, mà HĐND tỉnh đã ban hành.
Ngoài các Nghị quyết mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện cuộc sống nông dân, thì vẫn còn nhiều Nghị quyết chưa triển khai "đến nơi đến chốn", chưa đi vào cuộc sống.
Tại Phiên họp thứ 9 của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định (25/4) về giải trình, chất vấn việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định trên lĩnh vực nông nghiệp, đã "nói thẳng, nói thật". Từ đây, vỡ lở loạt vấn đề, tồn tại khiến chính sách chưa đi vào cuộc sống và trách nhiệm của cán bộ, chính quyền đối với dân cũng đang dần "lộ diện".
Phải kể đến như: Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Bình Định về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026, sau gần 2 năm, nhưng số hộ dân tham gia rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 7 hộ dân.
Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, giai đoạn 2019-2025, triển khai gần 5 năm nhưng nhiều nội dung chưa thể thực hiện.
Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mục tiêu giai đoạn 2019-2025, có 77 dự án/kế hoạch được hỗ trợ (gồm 17 dự án, 60 kế hoạch). Chỉ có 40 dự án/kế hoạch được hỗ trợ (5 dự án, 35 kế hoạch), đạt 51,9%. Kết quả thực tế so với mục tiêu đề ra, còn rất thấp, không như kỳ vọng.
Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2022-2026. Nhưng, việc thực hiện chính sách, mới ở bước hướng dẫn và đăng ký dự án (lĩnh vực trồng trọt 10 dự án/6 địa phương; lĩnh vực chăn nuôi 16 hộ/6 địa phương; riêng lĩnh vực thủy sản chưa có đăng ký).
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, khi đưa Nghị quyết chính sách hỗ trợ về lĩnh vực nông nghiệp vào thực tiễn, đã gặp vô vàn khó khăn. Thậm chí, một vài chính sách chưa thực sự hiệu quả.
Nguyên nhân chính của vấn đề, do quá trình nghiên cứu, đề xuất tham mưu ban hành chính sách chưa chặt chẽ, xuất phát từ cấp địa phương. Chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, ở tất cả các khâu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt, về động thái của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, trước tình trạng Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, mà HĐND tỉnh đã ban hành nhưng khi triển khai trên thực tế, lại chưa thực sự đi vào cuộc sống, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tới đây, UBND tỉnh sẽ họp bàn với Sở NN&PTNT để đánh giá, rà soát toàn bộ việc thực hiện triển khai thực hiện 10 Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
"Trên cơ sở xem xét đánh giá chung, Nghị quyết nào không phù hợp với thực tế thì phải điều chỉnh, để thực hiện mang tính khả thi và hiệu quả. Những Nghị quyết hiệu quả thì tiếp tục duy trì, trường hợp chưa đủ "mạnh", thì tỉnh sẽ có xem xét điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu", ông Lâm Hải Giang nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, riêng Nghị quyết về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022-2026, việc hiệu quả trong quá trình triển khai đã được phân tích trước kỳ họp HĐND tỉnh, hồi tháng 4.
"Trước đây, quy định không được xây dựng bất kỳ công trình nào trên đất rừng, đất lâm nghiệp, như vậy thì chắc chắn chính sách này không thể triển khai được.
Tuy nhiên, vướng mắc này đến nay, đã có hướng mở, cho phép các trang trại trên đất lâm nghiệp thì được tỷ lệ nhất định, để xây dựng công trình phục vụ việc nuôi gà", ông Lâm Hải Giang cho hay.
Một lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Định thừa nhận, 10 Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đã ban hành, lâm phải tình trạng "cái gì cũng có, cũng làm, nhưng đột phá lại không lớn".
Vì vậy, cần thay đổi, không làm chính sách theo kiểu "chỗ nào cũng có, nhưng không giải quyết được vấn đề gì".
Cần đánh giá lại hiệu quả từng chính sách gắn với mục tiêu và kết quả theo từng giai đoạn, tránh tình trạng "triển khai lan man, đi nhưng không biết đích đến".
Đặc biệt, HĐND tỉnh sau khi có Nghị quyết thì UBND tỉnh cần có cụ thể hoá, tránh lặp lại câu chuyện triển khai xuống địa phương, lại vướng mắc. Điều chỉnh chính sách đã ban hành theo hướng "đủ mạnh", và loại bỏ yếu tố không cần thiết.
Thậm chí, nếu không thay đổi cuộc sống ở nông thôn, thì không nên ban hành chính sách. Thay vì 10 chính sách thì chỉ cần ban hành 6 chính sách, nhưng triển khai cái nào, thì hiệu quả cái đó.