Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ nhóm đối tượng nhập lậu 12.000 con gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam

Phi Long 15/10/2024 13:56 GMT+7
Đồn Biên phòng Quảng Đức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển 12.000 con gà giống trái phép bằng ô tô vào Việt Nam. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Vận chuyển trái phép gà giống vào Việt Nam

Theo đó, khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 12/10, tại Quốc lộ 18C, khu vực Mốc 1342(3) + 150m, thuộc Bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Quảng Đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biên giới, đã phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 14A - 842.40 đỗ trên Quốc lộ 18C có biểu hiện nghi vấn. 

Lúc này có 5 người đàn ông đang bốc các khay nhựa màu đen từ bờ suối biên giới lên xe ô tô, bên trong các khay nhựa màu đen có chứa gà con giống.

img

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Quảng Đức (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) kiểm đếm số gà giống nhập lậu. Ảnh: LĐ

Tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu các đối tượng trên dừng lại để kiểm tra. Khi phát hiện thấy lực lượng Bộ đội Biên phòng, các đối tượng trên đã bỏ chạy lên rừng để trốn. Tổ công tác tiến hành truy đuổi bắt giữ được 1 đối tượng là lái xe cùng phương tiện ô tô biển kiểm soát 14A - 842.40.

Kiểm tra trên phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 16 khay nhựa màu đen, bên trong mỗi khay nhựa đều chứa gà con giống; kiểm tra xung quanh khu vực bắt giữ, phát hiện bên cạnh đường, giáp bờ suối biên giới còn 32 khay nhựa màu đen chứa gà con giống, bên trong mỗi khay nhựa màu đen đều chứa 250 con gà con giống. Tổng cộng có 48 khay chứa 12.000 con gà con giống.

Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng khai tên là Bùi Xuân Trường (sinh năm 1988, trú tại khu 1, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Bùi Xuân Trường không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số gà giống trên và khai nhận được người khác thuê vận chuyển số gà qua biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam tại khu vực biên giới Mốc 1342(3) + 150m về xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, để lấy tiền công là 1 triệu đồng/chuyến.

Tổ công tác yêu cầu Bùi Xuân Trường đưa phương tiện và số gà con giống trên về Đồn Biên phòng Quảng Đức để xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của Pháp luật.

Hàng hóa nhập khẩu qua biên giới phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 10, Nghị định số: 112/2014/NĐ-CP, ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định: "Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu".

Theo quy định này, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy tờ hợp lệ và và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, theo Mục I, Phụ lục I, Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch (Ban hành kèm theo Thông tư số số 25/2016/TT – BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì gia cầm thuộc diện phải kiểm dịch.

Như vậy, theo luật sư Sơn, việc vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà nước cấm các hành vi nhập lậu vào Việt Nam để bảo vệ thị trường ổn định, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. 

Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia quy định, phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất là 75 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị giá dưới 10.000.000 đồng; hoặc đối với tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Người vi phạm còn phải pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường và văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Về chế tài xử lý hình sự, Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, với khung hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 5 năm tù.

Theo luật sư Sơn, trường hợp buôn bán hàng hóa trái phép qua biên giới phạm Tội buôn lậu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất 20 năm tù.