Dân Việt

Tranh cãi Quán quân Olympia 2024 "khôn lỏi" trong trận chung kết, thực tế ra sao?

Tào Nga 14/10/2024 16:17 GMT+7
Có ý kiến cho rằng Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 Võ Quang Phú Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế đã "chơi không đẹp" trong trận chung kết, tuy nhiên, nhiều người đã phản đối ý kiến trên.

Sáng 13/10, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 đã chính thức diễn ra. Sau 4 vòng thi căng thẳng, gay cấn đến nghẹt thở, nam sinh Võ Quang Phú Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế đã chính thức trở thành Quán quân với 220 điểm, nhận được vòng nguyệt quế mạ vàng 24k, cúp kỷ niệm, phần thưởng trị giá 50.000 USD cùng cơ hội du học tại Australia.

Thế nhưng, ngay sau khi kết thúc chương trình, Phú Đức có chia sẻ về việc quyết định bấm chuông giành câu trả lời cuối cùng. Nam sinh cho biết, nếu đúng thì có thêm 30 điểm và nếu sai bị trừ 15 điểm, vẫn hơn Nguyễn Nguyên Phú (Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) 5 điểm, khi đó đang bám sát nút về điểm số. Như vậy, giành được chuông thì dù trả lời đúng hay sai, Phú Đức vẫn là người vô địch, còn nếu không bấm chuông cơ hội còn 50/50 khi Nguyên Phú giành quyền trả lời.

Chính lý do này đã gây nên tranh cãi trái chiều ngay sau khi cuộc thi kết thúc. Một số người cho rằng Phú Đức không "chơi đẹp", "chơi tiểu xảo" nhưng ý kiến này lập tức bị nhiều người khác phản bác.

Tranh cãi Quán quân Olympia 2024 "khôn lỏi" trong trận chung kết, thực tế ra sao?- Ảnh 2.

Đức Phú trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Ảnh: Tào Nga

Đường lên đỉnh Olympia là một trò chơi và mục tiêu chính là chiến thắng

Nhà leo núi trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 Nguyễn Việt Thái, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, Trường Đại học Ngoại Ngữ, hiện là sinh viên Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao đã nêu quan điểm: "Olympia là một trò chơi".

Theo Nguyễn Việt Thái: "Sau cuộc thi, có những luồng chỉ trích trên mạng xã hội vì Phú Đức "không nhường cơ hội cho bạn cùng chơi trả lời" và "chơi tiểu xảo". Từ góc độ lý thuyết trò chơi, hành động của Phú Đức là hợp lý và tối ưu trong bối cảnh của cuộc thi. Một số người cho rằng việc "cướp điểm" của Phú Đức là không công bằng với các thí sinh khác, nhưng điều này bỏ qua bản chất của trò chơi. Trong mọi cuộc thi, chiến lược và tính toán đều là một phần không thể thiếu và luật chơi của Đường lên đỉnh Olympia đã thiết lập một hệ thống trong đó việc bấm chuông cướp điểm là hoàn toàn hợp lệ và được khuyến khích.

Đây là một trò chơi và mục tiêu chính là chiến thắng. Phú Đức chỉ đơn giản là người vận dụng tốt nhất các quy tắc có sẵn để đảm bảo chiến thắng của mình. Bạn không thể hoàn toàn tận hưởng một trò chơi nếu như không tận hưởng những yếu tố tính toán, chiến thuật.

Olympia là một trò chơi truyền hình không hơn không kém. Và trong lý thuyết trò chơi, không có khái niệm về "công bằng" hay "nhường nhịn" nếu luật chơi không yêu cầu điều đó. Mục tiêu của mỗi thí sinh là tối đa hóa điểm số của mình và giành chiến thắng, chứ không phải giúp đỡ, tạo cơ hội cho người khác. "Chơi đẹp" không có nghĩa là phải nhường cơ hội cho người khác, mà là chơi theo đúng luật và tinh thần của cuộc thi. Quan điểm cho rằng Phú Đức nên "nhường" cơ hội cho Nguyên Phú hay các thí sinh khác bỏ qua thực tế rằng các thí sinh đều đang thi đấu để giành chiến thắng. Mỗi người chơi đều có quyền và nghĩa vụ tìm ra chiến lược tốt nhất để đạt được mục tiêu của mình trong giới hạn luật chơi. Luật chơi đã được thiết kế để khuyến khích nâng cao tính chiến thuật và việc Phú Đức tận dụng các quy tắc này là một phần của trò chơi.

Một trong những điểm mạnh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia suốt những năm qua là sự kết hợp giữa kiến thức và chiến thuật. Qua mỗi mùa luật chơi được cải tiến, những chiến thuật mới liên tục được tạo ra khiến cho người chiến thắng xứng đáng không còn chỉ là người biết nhiều nhất mà còn là người sử dụng đấu pháp hợp lý nhất. Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng những năm tiếp theo với những luật chơi còn kịch tính hơn nữa".

Tranh cãi Quán quân Olympia 2024 "khôn lỏi" trong trận chung kết, thực tế ra sao?- Ảnh 3.

Phú Đức trong thời gian nghỉ giữa các phần thi. Nam sinh thể hiện xuất sắc trong trận chung kết. Ảnh: Tào Nga

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 chiến thắng bằng thực lực

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên ở Hà Nội cũng nêu ý kiến: "Phú Đức bấm chuông là chơi đúng luật, thể hiện em là người nhanh nhẹn, thông minh, quyết đoán...

Điều đặc biệt, nếu không có thực lực thì làm sao em có điểm số dẫn đầu? Nếu không dẫn đầu và có cách biệt an toàn đến mức sẵn sàng hy sinh cả 15 điểm vẫn vô địch thì sao dám dùng chiến thuật đó?".

Đồng quan điểm, cô Lê Mai Hương, một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cũng phân tích: "Ai khi xem cả 3 phần thi trước sẽ khẳng định Phú Đức quá xuất sắc. Ở phần thi Khởi động, Đức thì là thí sinh duy nhất 6/6 câu trả lời đúng. Phần thi Vượt chướng ngại vật là thí sinh trả lời từ khóa sau vài giây khi chưa có đáp án câu 1, chưa có hình ảnh gợi ý. Phần thi Tăng tốc Đức cũng quá xuất sắc giành điểm cao và tiếp tục dẫn đầu. Như vậy để chứng tỏ Phú Đức không chiến thắng bằng ăn may, khôn lỏi như mọi người nói.

Ở phần Về đích, chúng ta phải khen Phú Đức rất thông minh. Đứng trước 1 quyết định chúng ta đều phải cân nhắc thế nào lợi nhất cho mình, đây là một cuộc chơi và em ấy không hề phạm luật. Phú Đức chiến thắng hoàn toàn xứng đáng bằng tri thức, bản lĩnh và thông minh của em ấy".