Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 chương trình mới ở Ninh Thuận khiến giáo viên thốt lên: "Lạ và hay"
Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 chương trình mới ở Ninh Thuận khiến giáo viên thốt lên: "Lạ và hay"
Tào Nga
Thứ hai, ngày 14/10/2024 06:33 AM (GMT+7)
Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 chương trình mới ở Ninh Thuận được nhận xét: "Cách hỏi khuyến khích suy nghĩ độc lập và khơi gợi khả năng phản biện của thí sinh. Đây là cách hỏi mở và không giới hạn sự sáng tạo".
Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở Ninh Thuận: "Hết thời luyện gà"
Ngày 12/10, Sở GDĐT Ninh Thuận tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2024-2025. Ở môn Văn, đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 ở Ninh Thuận có thời gian làm bài 180 phút với 2 câu hỏi. Điều đặc biệt, thay vì đề cho ngữ liệu dài thì lại yêu cầu thí sinh quan sát kỹ bức tranh và viết bài luận. Câu hỏi thứ 2 cũng được đánh giá phát triển khả năng phân tích và tổng hợp của từng thí sinh.
Nhận xét chung về đề thi này, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đây là đề thi lạ, hay theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hạn chế tối đa kiểu "luyện gà".
Đề thi cụ thể như sau:
Câu 1: Nhìn bức tranh trên đây, chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi: Bức tranh vẽ gì? Chắc hẳn mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nhưng anh/chị có đồng ý rằng bức tranh này ít nhiều cũng đã gợi nhắc cho chúng ta một điều là: giữa những ngày này của năm 2024, AI (Trí tuệ nhân tạo) đã và đang có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống?
Là công dân trẻ của thế kỉ XXI, trên bước đường xây dựng hình ảnh của mình trong tương lai, liệu việc hiểu biết và sử dụng Trí tuệ nhân tạo có phải là hành trang ưu tiên số mộtmà anh/chị sẽ mang theo? Hãy viết một bài luận trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 2: Trong bài thơ "Đồng hồ vĩnh cửu", Nguyễn Lương Ngọc viết: "3. Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái về nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở. Là hoa thì nở (...). Mẹ dạy, người ta là hoa đất. Đấy là câu vô thủy vô chung của các bài ca, các thi phẩm. Không đâu vắng nó cả" (In trong "Thơ chọn lọc Nguyễn Lương Ngọc", Tạ Duy Anh tuyển chọn, NXB Hội nhà văn, 2014).
Từ ý thơ của tác giả, hãy viết bài văn bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề sau: "Người ta là hoa đất, đấy là câu vô thủy vô chung của các tác phẩm văn học, không đâu vắng nó cả".
Đề thi hay, sáng tạo
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Lê Thị Thùy Vinh, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhận xét: "Đối với đối tượng học sinh giỏi, đề thi phải đáp ứng 2 yêu cầu: Đề thi bám sát yêu cầu của chương trình, phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông; Đề thi có những yêu cầu cụ thể ở độ khó cao hơn, cần hay và sáng tạo để đánh giá được năng lực đọc hiểu và năng lực viết ở trình độ cao của học sinh.
Đối chiếu 2 yêu cầu này với đề thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia nêu trên có thể nhận thấy:
Đề thi này đã bám sát yêu cầu cơ bản. Đề có 2 câu: câu 1 là nghị luận xã hội, câu 2 là nghị luận văn học gắn với một vấn đề của lí luận văn học.
Trong câu 1, người viết đã đặt vấn đề về AI (trí tuệ nhân tạo), một vấn đề thời sự gắn liền với xã hội hiện nay (năm 2024). Điều này tạo tính hấp dẫn và gần gũi với thực tế của thí sinh. Ngoài ra cách đặt câu hỏi bằng việc sử dụng hình ảnh cũng giúp thí sinh hình thành những liên tưởng cá nhân trước khi tiếp cận vấn đề. Đây là cách đưa thí sinh vào trạng thái tư duy sáng tạo.
Cách hỏi trong câu hỏi này cũng khuyến khích cách suy nghĩ độc lập và khơi gợi khả năng phản biện của thí sinh. Đây là cách hỏi mở và không giới hạn sự sáng tạo.
Câu 2, theo tôi đánh giá là câu hỏi khá hay thể hiện sự kết nối của văn học và văn hóa. Người ta là hoa đất là một khái niệm đậm chất triết lí, được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm văn chương. Như thế thí sinh được khuyến khích không chỉ suy nghĩ về tác phẩm văn chương mà còn áp dụng các ý tưởng và giá trị của nó vào cuộc sống cá nhân và xã hội. Điều này phát triển khả năng phân tích và tổng hợp".
TS Lê Thị Thùy Vinh cũng đưa ra gợi ý cách ôn thi học sinh giỏi Ngữ văn theo chương trình mới. Theo đó, đối với câu hỏi Nghị luận xã hội, học sinh cần rèn cho mình kĩ năng nhận diện yêu cầu của đề, xây dựng các luận điểm, luận cứ, dẫn chứng.
Cần xác lập các vấn đề xã hội rất được quan tâm hiện nay như tình yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của người trẻ, người trẻ và sự phát triển của công nghệ… từ đó tự xây dựng cho mình cách thức triển khai và hệ thống dẫn chứng đa dạng và sáng tạo.
Cần lưu ý đến cách lập luận trong bài thi học sinh giỏi bởi đề thi của đối tượng này khá mở, vì vậy điều quan trọng là thí sinh có những lập luận phù hợp với quan điểm đưa ra.
Đối với câu hỏi Nghị luận văn học, thí sinh cần nắm vững đặc trưng cơ bản của từng thể loại văn học, nắm chắc kiến thức lí luận văn học để vận dụng bàn luận các vấn đề đặt ra của văn học. Ngoài ra cũng cần lưu ý rèn cho mình sức viết: câu nghị luận xã hội viết khoảng 4-5 trang giấy; nghị luận văn học khoảng 8-9 trang giấy".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.