Dân Việt

Dự án nhỏ mở ra cơ hội lớn cho nông dân và cây bưởi Phúc Trạch

Tập Thỏa 15/10/2024 10:19 GMT+7
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ 1.600 cây giống và nhiều vật tư nông nghiệp cho 8 hộ dân ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) nhằm thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn, với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng.

Canh bền tác vững, mở rộng thị trường

Ngày 11/10, tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn sinh học cho nông dân năm 2024, sau khi tập huấn kỹ thuật.

Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được xem là "thủ phủ" trồng bưởi Phúc Trạch lớn nhất miền Trung. Toàn huyện hiện có khoảng 2.768ha bưởi Phúc Trạch (trong đó diện tích đã cho sản phẩm là hơn 1.900ha), được trồng nhiều tại các xã: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang... Theo ước tính, năm nay toàn huyện Hương Khê sẽ thu hoạch tổng sản lượng quả bưởi Phúc Trạch đạt gần 23.000 tấn, thu về khoảng 600 tỷ đồng.

Dự án nhỏ mở ra cơ hội lớn cho nông dân và cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 1.

Thực hành thí nghiệm so sánh sự khác biệt giữa đất có che phủ vật chất hữu cơ và không che phủ vật chất hữu cơ. Ảnh: Tập Thỏa

Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết, bưởi Phúc Trạch là một sản phẩm nông nghiệp giàu tiềm năng của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Để hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, nông dân trồng bưởi đã luôn nỗ lực nâng tầm giá trị thương hiệu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân Hà Tĩnh đề xuất xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn sinh học.

Bưởi Phúc Trạch là nông sản tiêu biểu, đặc trưng, cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân ở huyện Hương Khê. Thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Phúc Trạch" cho sản phẩm "Quả bưởi" và là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020. Quy trình sản xuất bưởi Phúc Trạch tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bưởi Phúc Trạch đã có thương hiệu trên thị trường, chính vì vậy việc xây dựng quy trình trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ là vô cùng cần thiết để giúp loại nông sản này có thị trường rộng lớn hơn, đồng thời đó là giải pháp canh tác bền vững để phát triển bưởi Phúc Trạch.

Tại chương trình tập huấn kỹ thuật, giảng viên của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch theo hướng sinh học từ khâu đắp mô, phân bón lót, chuẩn bị nước tưới đầy đủ trong mùa nắng… Các hội viên, nông dân đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc trồng bưởi trước tình hình biến đổi khí hậu.

Dịp này, Văn phòng Phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiến hành bàn giao 1.600 cây giống bưởi Phúc Trạch và các vật tư như vôi, phân hữu cơ sinh học, chế phẩm vi sinh... cho 8 hộ dân thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn, tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng.

Nhà nông tự tin ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới

Dự án nhỏ mở ra cơ hội lớn cho nông dân và cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 2.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bàn giao giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây bưởi Phúc Trạch. Ảnh: Tập Thoả

Trước khi nhận bàn giao cây giống và vật tư, các hộ tham gia mô hình ở xã Hương Đô đã được giảng viên hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bưởi Phúc Trạch; quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi; sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn sinh học…

Ông Đinh Văn Liên (ở thôn 8, xã Hương Đô) cho biết, trước đây gia đình ông và nhiều hộ trồng bưởi Phúc Trạch chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết khiến năng suất cây trồng không cao, chất lượng thấp. Gia đình ông có hơn 1.000 gốc bưởi Phúc Trạch, tốn nhiều công chăm sóc, tiền mua phân bón mà thu về chỉ được khoảng 100 triệu đồng/năm.

"Được giảng viên của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập huấn kỹ thuật cho nông dân chúng tôi, hướng dẫn cách chăm sóc bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn sinh học… khiến tôi rất vui. Thông qua buổi tập huấn hôm nay, tôi đã nắm chắc được kiến thức mà giảng viên truyền đạt, từ đó sẽ hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ để tăng năng suất và chất lượng cho quả bưởi. Tôi tin rằng, áp dụng đúng kỹ thuật mà Hội Nông dân hướng dẫn sẽ giúp bưởi Phúc Trạch phát triển theo hướng an toàn sinh học, hiệu quả kinh tế và bền vững" - ông Đinh Văn Liên kỳ vọng.

Dự án nhỏ mở ra cơ hội lớn cho nông dân và cây bưởi Phúc Trạch - Ảnh 3.

Ông Đinh Xuân Tú (ở thôn 9, xã Hương Đô) nhận 160 cây giống bưởi Phúc Trạch mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ. Ảnh: Tập Thỏa

Còn ông Đinh Xuân Tú (ở thôn 9, xã Hương Đô) phấn khởi: "Nhận được 160 cây giống bưởi Phúc Trạch mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, gia đình tôi rất mừng. Theo đánh giá ban đầu của tôi, cây giống khỏe mạnh, không bị xoăn lá, không bị sâu bệnh… Hiện, bưởi Phúc Trạch có giá trị kinh tế cao, giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/quả, đặc biệt có thời điểm lên đến hơn 70.000 đồng/quả. Việc triển khai mô hình này giúp bà con trồng bưởi Phúc Trạch có kiến thức về canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học và bền vững. Sau buổi tập huấn được cầm tay chỉ việc, chúng tôi có thể tự tin ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho vườn của mình. Tôi kỳ vọng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn sinh học này sẽ giúp cây phát triển tốt, tăng chất lượng, năng suất, giá bán ngày càng cao hơn".

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho hay: "Khi thực hiện dự án này, chúng tôi kỳ vọng góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Từ 8 hộ dân tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học canh tác bưởi Phúc Trạch theo hướng an toàn, sau khi thành công sẽ hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho các hội viên nông dân khác, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi Hương Khê. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện vận động người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường".