Dân Việt

Điểm săn mây này khiến người người chen chân đến check in, "sống ảo"

Huy Hoàng 15/10/2024 14:31 GMT+7
Những ngày cuối tuần vừa qua, hàng trăm bạn trẻ chen chân check in, "sống ảo" tại đỉnh núi Tà Chì Nhù, tỉnh Yên Bái, khiến nơi đây trở nên sôi động, rộn ràng hơn ngày thường.

Đi du lịch Tà Chì Nhù mùa nào đẹp nhất?: Ngất ngây với những thảm mây trắng khổng lồ trôi bồng bềnh

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 1.

Hàng trăm bạn trẻ háo hức rủ nhau check in tại đỉnh núi Tà Chì Nhù, Yên Bái. (Ảnh: Thừa Hòa)

Cứ dịp từ tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào mùa săn mây tại các đỉnh núi phía Bắc. Những thảm mây trắng trên đỉnh núi, bên trên là bầu trời xanh trong tuyệt đẹp đã trở thành điểm thu hút các bạn trẻ, những tín đồ xê dịch yêu thích trekking. Và nằm trong số những đỉnh núi đó, đỉnh núi Tà Chì Nhù của Yên Bái đang là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong những ngày cuối tuần qua.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 2.

Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m, là đỉnh núi đứng thứ 7 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái rừng đa dạng. (Ảnh: Thừa Hòa)

Anh Thừa Hòa, nam du khách đến từ Hà Nội chia sẻ với Dân Việt, anh cùng nhóm bạn đã có chuyến trekking ngày cuối tuần vừa qua (11/10-13/10) leo núi Tà Chì Nhù để săn mây.

Cả nhóm của anh xuất phát từ Hà Nội, thuê xe 16 chỗ lên đến Yên Bái vào lúc 1h sáng và ngủ lại thành phố đến sáng thứ bảy bắt đầu hành trình leo núi.

"Khi leo, chúng tôi đi hướng Trạm Tấu và xuống hướng Nậm Nghiệp. Sau cơn bão, cung đường này đang là cung phổ biến nhất và được đánh giá là dễ hơn những cung khác.

Thời gian leo từ phía Trạm Tấu từ 8h45 lúc cổng vào mở - 11h45 dừng lại khoảng 30 phút nghỉ ngơi và ăn trưa, sau đó 12h15 - 14h15 leo lên lán nghỉ 2400 nghỉ ngơi thăm quan. Đến 2h30, chúng tôi dậy chuẩn bị hành trang, ngắm sao và ăn sáng tới 3h45 bắt đầu xuất phát leo lên đỉnh Tà Chì Nhù. Team tới đỉnh lúc 6h sáng. Sau đó, chúng tôi xuống hướng Nậm Nghiệp, đến vườn táo mèo là 12h40 và bắt xe máy trở về Sơn La tắm suối khoáng nóng và ăn tối, sau đó về Hà Nội", Thừa Hòa cho biết.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 3.

Lần đầu tiên chinh phục Tà Chì Nhù vào thời điểm này, dù không còn mùa hoa, cũng không còn lúa vàng nhưng nam du khách vẫn cảm nhận cảnh sắc, thiên nhiên rất đẹp.

"6h30, mặt trời lên cao và những tia nắng bắt đầu le lói. Khung cảnh lúc này quá ảo diệu khiến nhiều người phải thốt lên, có những lớp chuyển giao thoa của thời tiết. Mặt trời lấp ló, sương mù thì dần tan và biển mây trôi từ xa trở về. Khoảnh khắc này cứ giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp. Lúc này, mọi người đều tất bật tìm cho mình những góc đẹp để quay cho mình những kỉ niệm đáng nhớ, và cũng thật tự hào vì đã chinh phục thành công đỉnh Tà Chì Nhù. Sau cùng, tôi cảm thấy thật xứng đáng và thật vui khi bản thân đã chinh phục được Tà Chì Nhù", nam du khách cho biết.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 4.

Tuy nhiên theo nam du khách, điều hơi tiếc là lượng khách khá đông, vì vậy không dễ để có một bức ảnh riêng một mình với biển mây. Ngoài ra, lượng khách đông ở điểm xuất phát, điểm lán nghỉ, nên việc chờ đợi cũng lâu hơn ngày bình thường.

Trên trang cá nhân của nam du khách Thừa Hòa, nhiều bạn trẻ vào comment cũng bày tỏ bất ngờ khi số lượng người săn mây, chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù đông đến vậy.

Một số bình luận: "Tưởng lên núi vắng vẻ, ai dè cũng tắc đường như vậy". Một số thì tếu táo đùa vui, đại hội võ lâm vào ngày cuối tuần.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 5.

Team của Thừa Hòa vẫn cố gắng chụp một bức ảnh kỷ niệm trên đỉnh núi Tà Chì Nhù. (Ảnh: Thừa Hòa)

Được biết đỉnh núi Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m, là đỉnh núi đứng thứ 7 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái rừng đa dạng.

Dưới chân núi là các bản làng của dân tộc Mông và Thái vậy nên ngọn núi cũng được gọi với các tên gọi khác nhau như Phu Song Sung của người Thái hay Chung Chua Nhà của đồng bào Mông.

Tại nơi đây cảnh vật còn rất hoang sơ và đường vào cũng không mấy dễ đi nên để tận hưởng cảnh biển mây xa vút tầm mắt thì chỉ có duy nhất một con đường là đi bộ từ dưới chân núi lên đỉnh với khoảng cách tầm 8km.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 6.

Cảnh sắc nơi đây khiến nhiều du khách thích thú và ngỡ ngàng. (Ảnh: Thừa Hòa)

Đi du lịch Tà Chì Nhù mùa nào đẹp nhất?: Từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau

Thời gian phù hợp để chinh phục Tà Chì Nhù là từ khoảng tháng 9 cho đến tháng 4 năm sau, đây là mùa lạnh dễ có biển mây xuất hiện và không khí cũng mát mẻ, ít gặp mưa bão nên rất phù hợp với hoạt động đi bộ đường dài.

Khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 đầu năm sau khi không khí lạnh tràn về rất dễ gặp được biển mây, đây cũng hay được coi là tiêu chuẩn đặt ra để đánh giá về "nhân phẩm" của những du khách có sở thích săn mây.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 7.

Những đám mây với nhiều hình thật độc đáo xuất hiện trước bình minh. (Ảnh: Thừa Hòa)

Khoảng tháng 9 cho đến đầu tháng 11 thì nơi đây có một loại hoa của các bụi cỏ mọc phủ kín cả vạt núi, khi hoa nở có màu tím nên nhìn từ phía xa lên đỉnh núi sẽ thấy núi có màu tím cực kỳ mơ mộng và cả khi lại gần đứng giữa các bụi hoa nở rộ cũng sẽ chụp được những bức ảnh vô cùng nghệ thuật.

Hàng trăm bạn trẻ chen chân săn mây, “sống ảo tại đỉnh nùi Tà Chì Nhù - Ảnh 8.

Du khách nườm nợp trekking lên đỉnh núi Tà Chì Nhù để săn mây, chụp ảnh. (Ảnh: Thừa Hòa)

Để chinh phục ngọn núi, du khách xuất phát từ Hà Nội di chuyển đến Tà Chì Nhù bằng xe khách đến thị xã Nghĩa Lộ, quãng đường khoảng 200km, 4 tiếng rưỡi di chuyển lên đến Trạm Tấu.

Từ Trạm Tấu di chuyển bằng xe ôm vào chân núi Tà Chì Nhù, khoảng cách 30 phút di chuyển, khi đến Mỏ Chì ở chân núi Tà Chì Nhù sẽ là hành trình trekking.