Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động, nhưng thực tế, nguồn cung chỉ bảo đảm được khoảng 20.000 nhân lực.
Trong số này, lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm hơn 50%; dưới sơ cấp chiếm 39,3%, và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Điều này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.
Đến nay, cả nước có khoảng 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp; 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, còn có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Song, những cơ sở đào tạo này vẫn không cung cấp đủ lao động theo nhu cầu thị trường du lịch.
Trong khi đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho thấy, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch Việt Nam còn thấp. Đơn cử, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và một phần năm so với Malaysia… Theo các chuyên gia, thực trạng này rất dễ dẫn đến hệ quả lao động du lịch Việt Nam bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Thời gian qua, “đào tạo lại” là cụm từ được nhiều doanh nghiệp du lịch nhắc tới khi bàn về vấn đề tuyển dụng nhân sự, bởi nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, dẫn tới các đơn vị sử dụng nhân lực buộc phải mất thời gian “cầm tay chỉ việc” giúp người lao động thích ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Đây chính là lý do, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức ký kết với các doanh nghiệp trong ngành trong công tác đào tạo.
"Trong những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn có chủ trương liên kết với doanh nghiệp để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đúng, trúng nhu cầu của đơn vị tuyển dụng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã liên kết với 80 - 100 doanh nghiệp tham gia vào Ngày hội việc làm do Học viện tổ chức, tiếp nhận được từ 3.000 - 6.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp được tham gia hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn của Học viện. Đặc biệt, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đang tiến tới hợp tác đào tạo, nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp. Do vậy, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ cũng liên tục tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp để liên kết đào tạo bởi nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh cũng như sự phát triển bền vững của toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang là thách thức của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập", TS.Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Du lịch và Ngoại ngữ nhấn mạnh.
Theo đó, tại sự kiện "The new horizon – ngày hội chân trời mới" dành cho tân sinh viên năm học 2024 - 2025, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã phối hợp với các doanh nghiệp trao các suất học bổng ý nghĩa cho sinh viên, thúc đẩy tinh thần học tập, sáng tạo, khởi nghiệp của các em, đồng thời ký kết các biên bản ghi nhớ, phối hợp đào tạo với doanh nghiêp.
Sự kiện diễn ra mới đây với những hoạt động chính như: Ca múa nhạc, nghệ thuật trao học bổng doanh nghiệp cho sinh viên, tọa đàm về khởi nghiệp.
TS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh, đây là ngày hội chào sinh viên, giúp các em giao lưu, kết nối để có động lực trong học tập, nghiên cứu trong năm học mới. Trên hết là tiếp “lửa” cho tân sinh viên, giúp các em tự tin, phát triển tốt tại giảng đường đại học.
Chương trình cũng nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về chương trình đào tạo và các ngành học của Khoa, giới thiệu các sự kiện sắp tới và phát động phong trào sinh viên cho năm học 2024-2025.
Gửi lời chúc mừng đến tân sinh viên, TS Nguyễn Tất Thắng đồng thời cung cấp thông tin tổng quan về Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ nói riêng. Những thông tin này không chỉ giúp tân sinh viên hình dung cụ thể về quá trình học tập, mà có thêm định hướng để mở ra những cơ hội phát triển nghề nghiệp giá trị.