Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Hội đồng tại Tờ trình số 10625/TTr - BGTVT ngày 2/10/2024.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao là công trình quan trọng, rất đặc biệt cả về quy mô, công nghệ.
Dự án này có tác động tới cả trăm năm nên quá trình thẩm định phải thể hiện được tâm, tầm và trí tuệ để có thể kiến nghị, đề xuất các ý kiến chất lượng đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lên cấp có thẩm quyền.
Bộ Trưởng Dũng nhấn mạnh: "Quá trình thẩm định, cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cần bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ".
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công, tốc độ 350 km/h. Đường sắt tốc độ cao được thiết kế vận chuyển hành khách là chính, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể chở hàng hóa khi cần thiết.
Cùng đó, việc đầu tư dự án với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược…
Dự án đường sắt tốc độ cao bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây, các cảng biển, sân bay của đất nước và kết nối với các nước trong khu vực, trước mắt là Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đông Nam Á...
Từ đó, Bộ trưởng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án phối hợp chặt chẽ với tư vấn thẩm tra, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành tập trung làm rõ, giải trình cụ thể, có sức thuyết phục cao đối với một số vấn đề quan trọng của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo đó, dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ; lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn; các cơ chế chính sách đặc thù…
Bên cạnh đó, phải tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành khai thác để có cơ chế xử lý hiệu quả dù đây là dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng rất cao.
Bộ trưởng Dũng yêu cầu Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.
Do thời hạn trình Báo cáo chủ trương đầu tư dự án lên Quốc hội phải hoàn thành trong ngày 19/10/2024 để kịp xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nên tiến độ thẩm định dự án cần phải thực hiện rất khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan.
Bộ trưởng Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng (35 thành viên) phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc khi góp ý, bỏ phiếu đối với dự thảo dáo cáo kết quả thẩm định.
Bộ GTVT được đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, chặt chẽ để thuyết phục được Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua.
"Tiến độ thẩm định, trình Báo cáo chủ trương đầu tư dự án đang rất gấp nhưng không vì thế mà châm chước, bỏ qua yêu cầu về chất lượng thẩm định", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ GTVT đề xuất điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 1.545 km.
Bộ GTVT đề xuất phạm vi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm); tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án có sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha; hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Nguồn vốn đầu tư dự án là nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,...