Hãng thông tấn Yonhap trích tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, các chất nổ đã phát nổ ở phía bắc biên giới hôm 14/10.
"Triều Tiên đã cho nổ một số đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường phân định quân sự vào khoảng trưa", tuyên bố viết. Hai con đường này đã không được sử dụng kể từ tháng 8 và các vụ nổ không gây ra bất kỳ thiệt hại nào ở phía biên giới của Seoul, JCS cho biết. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tăng cường giám sát và sẵn sàng sau các sự cố.
Quân đội Triều Tiên cũng được cho là đã cố gắng đặt thuốc nổ trên con đường dọc theo ranh giới phân định phía Hàn Quốc.
Một đoạn video do quân đội Hàn Quốc công bố cho thấy một vụ nổ và một cột khói bốc lên phía trên một khu vực đường bộ nơi Triều Tiên đã dựng rào chắn màu đen. Ở phía Hàn Quốc, một biển báo đường có dòng chữ "Tạm biệt" và chỉ rõ rằng thành phố Kaesong của Triều Tiên cách đó 10 mét (33 feet).
Đoạn phim cũng cho thấy một số xe ben và xe ủi đất đang tiến đến gần với một nhóm sĩ quan quân đội Triều Tiên đang quan sát và điều khiển các xe này.
JCS cho biết Triều Tiên đã lắp đặt mìn và rào chắn dọc biên giới và cảnh báo hôm 14/11 rằng họ đang chuẩn bị cho một vụ nổ.
Hàn Quốc đã tăng cường giám sát và sẵn sàng sau vụ việc.
Để đáp trả vụ nổ, quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo về phía nam ranh giới phân định quân sự, mặc dù không có thiệt hại nào xảy ra ở phía biên giới của Seoul, quân đội Hàn Quốc cho biết.
Bộ Thống nhất Seoul, cơ quan xử lý các vấn đề xuyên biên giới, đã lên án vụ việc này là hành vi vi phạm rõ ràng các thỏa thuận liên Triều trước đây, gọi đây là "cực kỳ bất thường".
"Thật đáng chê trách khi Triều Tiên liên tục có hành vi thoái bộ như vậy", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Koo Byoung-sam phát biểu trong một cuộc họp báo.
Đáp trả đanh thép
Động thái của Triều Tiên nhằm đáp trả việc Hàn Quốc bị cáo buộc điều khiển máy bay không người lái bay qua thủ đô Bình Nhưỡng. Hôm 11/10, Triều Tiên tuyên bố rằng Hàn Quốc đã điều động máy bay không người lái thả tờ rơi tuyên truyền qua Bình Nhưỡng ba lần chỉ trong tháng này.
Hôm 14/11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lên án các chuyến bay của máy bay không người lái là "hành động khiêu khích nghiêm trọng của kẻ thù" và ra lệnh "hành động quân sự ngay lập tức".
Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đã canh báo Seoul về một "thảm họa khủng khiếp".
Seoul không xác nhận cũng không phủ nhận các chuyến bay của máy bay không người lái, nhưng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ chứng kiến "sự kết thúc của chế độ" nếu gây hại cho người dân Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng cũng phẫn nộ vì cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra vài tuần trước, mà Bộ Ngoại giao Triều Tiên mô tả là "cuộc tập trận chiến tranh khiêu khích để xâm lược". Kể từ đó, Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đã tăng cường củng cố biên giới bằng pháo binh tiền tuyến, các đơn vị quân đội, mìn và rào chắn, và tuần trước cam kết sẽ"hoàn toàn" cắt đứt đường bộ và đường sắt liên Triều để "chia cắt" hai phần của bán đảo.
Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật đã ở trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc xung đột 1950-53 của họ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không mang lại một hiệp ước hòa bình. Hai nước láng giềng đã chứng kiến một sự tan băng ngắn ngủi dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc theo chủ nghĩa tự do Moon Jae-in, kết thúc khi ông Yoon Suk-yeol theo chủ nghĩa bảo thủ được bầu làm tổng thống vào năm 2022. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã định nghĩa lại Hàn Quốc là một quốc gia "thù địch" .
Đường bộ và đường sắt xuyên biên giới là kết quả khi hai bên nỗ lực xích lại gần nhau, bao gồm hội nghị thượng đỉnh năm 2018. Dữ liệu của Bộ Thống nhất cho thấy Seoul đã chuyển hơn 132 triệu đô la để xây dựng lại các tuyến đường này dưới hình thức các khoản vay giá rẻ cho Bình Nhưỡng.