Chiều 15/10, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa).
Theo Bộ NNPTNT, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án 1 triệu ha lúa chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung phát triển 200.000 ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè – Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực. Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới), tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha), tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5-6 tấn CO2e tương đương trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và hợp tác xã tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia đề án.
Về huy động nguồn lực triển khai đề án 1 triệu ha lúa, ngay từ cuối năm 2023, Bộ NNPTNT đã xây dựng đề xuất dự án "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" vay vốn Ngân hàng thế giới (WB) với trị giá 430 triệu USD.
Tuy nhiên, qua làm việc với Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NNPTNT sẽ phải thay đổi cách tiếp cận từ "Dự án" thành "Chương trình đầu tư công hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, được quy định tại khoản 5, khoản 9, điều 4, Luật Đầu tư công sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
Trước tình hình trên, tại hội nghị, lãnh đạo Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho hoàn thiện hồ sơ thí điểm chính sách đặc thù đối với Chương trình đầu tư công "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới dự kiến khoảng 330 triệu USD. Sau đó, Bộ NNPTNT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết tại Kỳ họp gần nhất.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh,thành phố, nhà tài trợ chuẩn bị và hoàn thiện các tài liệu cần thiết để đảm bảo Chương trình đầu tư công này có thể đi vào thực hiện ngay từ năm 2026.
Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ NNPTNT và các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa rà soát, cân đối để tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để đảm bảo đủ vốn triển khai Đề án như mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Ngoài ta, để nâng cao hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa, Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chỉ đạo các Ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí gói tín dụng (quy mô khoảng 10.000 tỷ đồng triển khai ngay trong giai đoạn 2025-2027) cho vay hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết theo tiêu chí thống nhất giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ NNPTNT, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.