Dân Việt

Đại gia Lã Quang Bình lập khống hồ sơ, hối lộ lãnh đạo ngân hàng để được vay hàng nghìn tỷ đồng

Gia Bình 16/10/2024 09:49 GMT+7
Kinh doanh gặp khó khăn, đại gia Lã Quang Bình tiến hành vay nặng lãi ở nhiều nơi và còn hối lộ lãnh đạo ngân hàng để doanh nghiệp của mình không bị đánh dấu nợ xấu, tiếp tục được giải ngân.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản Kết luận điều tra bổ sung vụ án "Đưa, nhận hối lộ", xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Trước đó, hồi tháng 5, Cơ quan An ninh điều tra đã ra kết luận và đề nghị truy tố về vụ án này nhưng Viện KSND tối cao trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung.

Qua kết luận, phía điều tra đề nghị truy tố 16 bị can về các tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Đại gia Lã Quang Bình bị cáo buộc đưa hối lộ cho lãnh đạo ngân hàng để được vay tiền - Ảnh 1.

Ông Lã Quang Bình bị cáo buộc đưa hối lộ và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Trong số các bị can, anh em "đại gia" Lã Quang Bình và Lã Thị Phương Liên cùng bị đề nghị truy tố về 2 tội danh là "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Đưa hối lộ".

Bị can Đào Hoàng Thắng, cựu Giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Đống Đa, bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Hoài Anh, cựu cán bộ ngân hàng, bị đề nghị truy tố về 2 tội là "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Ngoài ra, 8 bị can khác bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và 4 bị can bị liên quan bị đề nghị truy tố tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Cơ quan điều tra cho rằng, vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến lĩnh vực tài chính, tín dụng ngân hàng nên rất nhạy cảm và được dư luận quan tâm. Hành vi của các bị can đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước, ảnh hưởng uy tín, hoạt động của hệ thống ngân hàng nên cần xử lý nghiêm.

Kết luận thể hiện, "đại gia" Lã Quang Bình sở hữu và tham gia 64 công ty, bị can Nguyễn Hoài Anh có 2 công ty và đều không đủ năng lực pháp luật dân sự, không có khả năng về tài chính.

Tháng 4/2016 - 12/2020, ông Bình dùng 8 doanh nghiệp, gồm Công ty ECPAY, lập hồ sơ vay tiền tại Chi nhánh Đống Đa của một ngân hàng để thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực, đầu tư kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác.

Giai đoạn 2018- 2020, Công ty ECPAY được Ngân hàng này cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, các công ty khác của ông Bình được cấp hạn mức 100 tỷ đồng/năm. Từ khoảng tháng 11, 12/2020, hoạt động kinh doanh của các công ty bị đình trệ; ông Bình dùng tiền điện thu được để thanh toán các chi phí và đầu tư vào bất động sản, không trả được nợ cho ngân hàng, dẫn đến các khoản vay bị quá hạn…

Tháng 12/2020, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có văn bản gửi các Công ty điện lực trực thuộc, yêu cầu đóng cổng thanh toán với Công ty ECPAY.  Do đó, ông Bình bị mất nguồn thu, không đảm bảo nguồn tiền trả các khoản vay đến hạn tại NHTM, dẫn đến một số khoản nợ của các công ty bị đưa vào diện nợ xấu.

Trong vụ án, các bị can là cựu cán bộ ngân hàng chi nhánh Đống Đa gồm: Phạm Như Hà, Nguyễn Thành Nhân, Vương Thị Bích Ngọc… biết rõ điều này nhưng vẫn bàn bạc, thống nhất, hướng dẫn nhóm nhân viên các công ty lập khống hồ sơ, hợp thức các thủ tục thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân trái quy định.

Điều tra xác định, do có quan hệ tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng ở Đống Đa từ năm 2016, hai anh em bị can Lã Quang Bình, Lã Thị Phương Liên đã câu kết, móc nối với một số cán bộ chi nhánh Đống Đa. Đồng thời, hai bị can giao nhân viên tìm mua hàng trăm công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, lập khống hồ sơ để được cấp hạn mức tín dụng.

Nhóm các công ty này đã được giải ngân hàng ngàn tỷ đồng tại chi nhánh Đống Đa. Sau đó, các bị can sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức tín dụng.

Bị can Lã Quang Bình còn bàn bạc với em gái đưa hối lộ cho bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc chi nhánh) để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn vay.

Đối với bị can Đào Hoàng Thắng, lợi dụng chức vụ là giám đốc chi nhánh, phụ trách mọi hoạt động chung đã có hành vi nhận hối lộ 200.000 cổ phiếu EIN của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ điện lực (tương đương 2 tỷ đồng).

Bị can Thắng chỉ đạo cựu phó giám đốc Phạm Như Hà, phòng khách hàng doanh nghiệp cấp hạn mức tín dụng, giải ngân cho Công ty Thịnh Phát của Lã Quang Bình trái quy định.

Còn bị can Phạm Như Hà được giao nhiệm vụ phê duyệt tín dụng theo thẩm quyền nhưng đã có hành vi trực tiếp ký phê duyệt đồng ý cấp tín dụng, giải ngân cho 66 công ty trái quy định pháp luật.

Đối chiếu tổng dư nợ và tổng giá trị tài sản thế chấp, CQĐT Bộ Công an xác định, thiệt hại của chi nhánh ngân hàng ở quận Đống Đa là 1.089 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Kết luận điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng xác định thiệt hại giảm còn 1.086 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can Thắng, bị can Hà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và hợp tác với CQĐT. Gia đình bị can Hà đã nộp 1,1 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của CQĐT để khắc phục hậu quả vụ án. Gia đình bị can Thắng cũng tự nguyện nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.