Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo đề xuất mới nhất của Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 1.545 km. Phạm vi đầu tư Dự án có điểm đầu tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), sau khi đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Bộ GTVT tính toán sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha; hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,...
Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước sẽ được mời gọi tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Trong công văn số 11004/BGTVT-KHĐT về giải trình tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, chủ đầu tư và tư vấn đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ hướng tuyến qua địa bàn.
Kết quả, có 18/20 địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên hướng tuyến như Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 2/20 địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí so với hướng tuyến trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ Dự án. Kết quả sau rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545 km xuống còn 1.541 km).
Hướng tuyến dự án đã được các địa phương cập nhật vào quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch các tỉnh.
Theo phương án được lựa chọn, dự án đường sắt tốc độ cao đã được chọn hướng "thẳng nhất có thể", đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật tương ứng với cấp tốc độ thiết kế, thuận lợi trong quá trình khai thác.
Bộ GTVT đã rà soát kỹ suất đầu tư để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, đủ tin cậy và thuyết phục; hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ.
Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được lập phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở đó, tư vấn đã tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.594 tỷ đồng (67,34 tỷ USD), suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Do dự án thực hiện trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm) nên sơ bộ tổng mức đầu tư có thể biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, sự cố, môi trường, thay đổi chính sách, thay đổi chỉ số giá …) hoặc chủ yếu nếu việc triển khai thực hiện không đáp ứng tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi có thiết kế chi tiết, sẽ tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án và đặc biệt việc tổ chức thực hiện cần quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của hệ thống chính trị để bám sát tiến độ.