Clip: Nông dân huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nuôi giống dê Boer mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống dê Boer có vóc dáng to, tỷ lệ thịt nạc cao...
Giống dê Boer lớn nhanh, thịt nhiều
Nghề chăn nuôi dê tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã có từ lâu, những năm gần đây, nhu cầu dê thịt trên thị trường tăng nhanh, thịt dê đã trở thành món ăn đặc sản của vùng miền núi Hương Sơn nên nghề chăn nuôi dê ngày càng được quan tâm phát triển mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi dê), cho biết: "Quá trình nuôi dê giống cỏ địa phương, tầm vóc nhỏ, năng suất thịt thấp, nhất là phải có bãi để chăn thả, khó kiểm soát dịch bệnh, cộng với biến động về nguồn thức ăn nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2022, được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận với chính sách hỗ trợ, gia đình đã được vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại nuôi dê với diện tích chuồng nuôi 300m2, mua 50 con dê cái 3 dê đực giống Boer với chi phí hơn 500 triệu đồng".
Mô hình nuôi dê Boer được chị Hiền nuôi nhốt hoàn toàn, hệ thống chuồng trại được đầu tư, vệ sinh sạch sẽ đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, giúp dê sinh trưởng tốt, hạn chế các loại bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh hà Tĩnh thành công với mô hình nuôi dê Boer. Ảnh: PV.
Chuồng trại chăn nuôi dê Boer của chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh hà Tĩnh được xây dựng khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: PV.
Theo chị Hiền, giống dê Boer không khó nuôi, dễ chăm sóc, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nên nhanh thu hồi vốn.
Nuôi dê Boer không tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức. Chỉ cần dành thời gian khoảng 1 - 2 giờ mỗi ngày để đi cắt cỏ cho dê ăn, chuồng trại chỉ cần dọn dẹp 1 - 2 lần/tuần.
Để việc nuôi nhốt đạt hiệu quả, ngoài am hiểu đặc tính, người chăn nuôi phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong cả quá trình nuôi.
Đặc biệt, cần chủ động nguồn thức ăn, nước uống sạch sẽ vào mùa đông, mùa hè để dê đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh xảy ra.
Thức ăn cho dê Boer chủ yếu là lộc lá, cỏ và bột ngô. Ảnh: PV
Để chủ động nguồn thức ăn, sau khi thu hoạch cỏ, chị Hiền tiến hành ủ vào các thùng nhựa đậy kín theo tỷ lệ 1 tấn cỏ tươi 5kg cám ngô, 0,2kg muối tinh , 0,2kg men vi sinh trong khoảng 20 - 30 ngày.
Cỏ sau khi ủ chua chỉ cung cấp thức ăn vào thời điểm cỏ tươi khan hiếm, còn có tác dụng tăng chất lượng dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho đàn dê.
Nuôi dê Boer hiệu quả ngay từ đầu, thu về nửa tỷ mỗi năm
"Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh, đầu ra ổn định, bán được giá so với các vật nuôi khác. Từ 53 con ban đầu, đàn dê Boer nhân giống lên 80 con, xuất bán được 200 con dê thịt, mỗi con có trọng lượng từ 20-25kg, giá bán dê thịt từ 120.000-130.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận trên 450 triệu đồng", chị Hiền bật mí.
Theo chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh hà Tĩnh,dễ nuôi, dễ chăm sóc, tốc độ sinh trưởng nhanh, nhanh thu hồi vốn. Ảnh: PV.
Ông Lê Đình Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn cho hay: "Từ khi du nhập giống dê Boer về địa phương, hiệu quả kinh tế mang lại hơn hẳn giống dê cỏ trước kia. Chính quyền địa phương đã vận động tuyên truyền người dân chuyển đổi từ chăn nuôi giống dê cỏ địa phương sang nuôi dê Boer, từ đó đã nâng cao chất lượng và tổng đàn chăn nuôi dê trên địa bàn xã.
Hiện toàn xã có 460 hộ dân chăn nuôi dê với tổng đàn trên 2.100 con (trong đó, giống dê Boer chiếm hơn 1 nửa, hộ nhiều 50-80 con, hộ ít 10-15 con), đem lại thu nhập 500-700 triệu/năm".
Anh Phan Anh Chiến, ở thôn Anh Sơn, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, chia sẻ: "Thời gian đầu, đàn dê mua từ nơi khác về chưa kịp thích nghi với khí hậu địa phương, chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc, dê có hiện tượng bỏ ăn, một số bị tiêu chảy.
Chịu khó tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, áp dụng các phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời nên đàn dê đã khỏe trở lại.
Sau hơn một năm, đàn dê đã sinh sản được 45 con, lựa chọn những con mẫu mã đẹp làm giống, còn lại xuất bán dê thịt và đã đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Lợi thế dê giống Boer thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Mỗi con dê con sinh ra, sau 4-5 tháng chăm sóc, đạt 20-25kg, có những con lên đến 30 kg.
Các loại cỏ, thân cây ngô, rơm rạ... được trộn muối cho vào hố hoặc túi ni lông để ủ chua khoảng 10 ngày. Ảnh: PV
Chủ động trong khâu thức ăn, nước uống sạch sẽ hạn chế các loại dịch bệnh. Ảnh: PV.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Xuân Đức - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Hương Sơn, cho biết: "Trong 2 năm (từ năm 2021 đến năm 2022), huyện Hương Sơn triển khai 10 mô hình chăn nuôi dê với quy mô hơn 500 con dê lai sinh sản tại các xã Quang Diệm, Sơn Lâm, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng và An Hòa Thịnh, bằng phương thức Dê Bách Thảo đực và dê Boer đực lai tạo với dê Boer cái cho sinh sản con lai F1".
"Qua theo dõi đánh giá, đàn dê sinh trưởng ổn định và sinh sản tốt, trung bình mỗi dê mẹ 3 năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Dê thịt nuôi 4-5 tháng đạt trọng lượng trung bình 25 - 30 kg, tăng 30% so với trọng lượng dê cỏ địa phương. Từ thành công mô hình đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để đưa giống dê Boer vào nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài số lượng dê thịt đã xuất bán được gần 2.500 con, hiện nay, huyện Hương Sơn hiện có tổng đàn dê duy trì trên 14.000 con. Dự kiến đến cuối năm con số này sẽ tăng lên 17.000 con", ông Phan Xuân Đức, cho biết thêm.
"Những kết quả đạt được của các mô hình nuôi giống dê Boer cũng như sự mạnh dạn đầu tư của người dân, Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện đang kiểm tra và sẽ có đánh giá cụ thể làm cơ sở tham mưu cho UBND huyện đề xuất UBND tỉnh. Qua đó, có chính sách hỗ trợ, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đàn dê Boer trên địa bàn, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Phan Xuân Đức - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Hương Sơn, nói.