Dân Việt

Giám định, định giá tài sản còn có vấn đề, Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ đạo "nóng"

Bách Thuận 17/10/2024 15:25 GMT+7
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan, người tiến hành tố tụng kịp thời đưa ra yêu cầu, đồng thời phải phối hợp tích cực, thường xuyên với cơ quan, tổ chức giám định, định giá tài sản.

Năng lực của một số cán bộ làm công tác định giá chưa đáp ứng yêu cầu

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải vừa ký Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Theo Tỉnh uỷ Thái Bình, giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự là thủ tục có ý nghĩa quan trọng đối với việc chứng minh tội phạm, xác định tính chất, mức độ của tội phạm, định khung hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Đồng thời bảo đảm việc giải quyết vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực được khách quan, chính xác, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Việc giám định, định giá tài sản không kịp thời, kéo dài, không chính xác sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả giải quyết vụ việc, vụ án hình sự và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình, các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan tiến hành tố tụng và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác giám định, định giá tài sản, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình theo dõi, chỉ đạo.

Tuy nhiên, theo Tỉnh uỷ Thái Bình, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị đối với công tác giám định, định giá tài sản chưa thường xuyên, sâu sát.

Giám định, định giá tài sản còn có vấn đề, Tỉnh uỷ Thái Bình chỉ đạo "nóng"- Ảnh 1.

Việc giám định, định giá tài sản còn tồn tại, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm trong giám định, định giá tài sản. Ảnh minh hoạ

Công tác kiểm tra, giám sát đối với việc giám định, định giá tài sản chưa được chú trọng; chưa kịp thời phát hiện, chỉ đạo rà soát, khắc phục kịp thời những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.

Công tác giám định, định giá tài sản ở một số vụ việc chưa đảm bảo đúng quy định, chưa thực hiện đầy đủ quy trình nghiệp vụ. Một số vụ việc giám định, định giá tài sản chậm, kéo dài dẫn tới việc phải gia hạn thời hạn giải quyết hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giám định, định giá tài sản ở một số vụ án, vụ việc còn có hạn chế trong việc trao đổi, cung cấp tài liệu, nhất là những vụ việc xảy ra đã lâu, có khó khăn trong thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật, tài sản cần giám định, định giá.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Tỉnh uỷ Thái Bình, chủ yếu là do một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa có nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám định, định giá tài sản.

Đa số người giám định tư pháp, thành viên hội đồng định giá là kiêm nhiệm, chưa tập trung nhiều thời gian cho công tác giám định, định giá tài sản; năng lực, trình độ, kinh nghiệm của một số người giám định tư pháp, cán bộ làm công tác định giá còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng thời, một số nội dung, yêu cầu, trưng cầu khó thực hiện, vượt quá điều kiện, năng lực của đội ngũ nhưng không báo cáo, tham mưu xử lý kịp thời. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giám định, định giá tài sản của cấp có thẩm quyền chưa thường xuyên; kinh phí phục vụ công tác giám định, định giá tài sản còn khó khăn; một số vụ việc, vụ án do không đủ căn cứ nên cơ quan giám định, định giá tài sản không có cơ sở để kết luận.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu

Trước diễn biến này, để tăng cường hiệu quả công tác giám định, định giá tài sản trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự nói chung, vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực nói riêng, thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám định, định giá tài sản.

Tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan, người tiến hành tố tụng kịp thời đưa ra yêu cầu, đồng thời phải phối hợp tích cực, thường xuyên với cơ quan, tổ chức giám định, định giá tài sản; chịu trách nhiệm trong việc chậm yêu cầu hoặc nội dung yêu cầu không đầy đủ, không kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả việc xem xét, giải quyết vụ việc, vụ án, nhất là vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình theo dõi, chỉ đạo.

Mặt khác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong giám định, định giá tài sản đảm bảo chất lượng, kịp thời, đúng pháp luật; tích cực, chủ động, kịp thời phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giám định, định giá tài sản.

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng giám định, định giá tài sản có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Lựa chọn, đề xuất người giám định tư pháp, cử thành viên tham gia hội đồng định giá có đủ năng lực…