Dân Việt

Để ngành bảo hiểm phát triển xứng với tiềm năng - Cần giải quyết vấn đề khủng hoảng niềm tin

Vũ Khoa 17/10/2024 18:00 GMT+7
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành bảo hiểm có vị trí khá quan trọng trong nhiều nền kinh tế. Trong đó, bao gồm cả vai trò về duy trì chuỗi sản xuất, và nguồn lực tái đầu tư sau rủi ro.

Bảo hiểm - Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và Chính phủ khi có khủng hoảng

Tại tọa đàm "Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ngành bảo hiểm được nhắc đến với không chỉ vai trò công cụ tài chính mà còn là một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng ngừa rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việc phát triển thị trường bảo hiểm mạnh mẽ không chỉ giúp bảo vệ các cá nhân và doanh nghiệp khỏi những tổn thất không mong muốn, mà còn tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế.

Thông qua bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất ngờ như thiên tai, tai nạn, bệnh tật, cháy nổ, hay thậm chí là các biến động về tài chính. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài chính, bảo hiểm còn đóng vai trò như một nguồn vốn quan trọng cho các hoạt động đầu tư.

Một vai trò khác của bảo hiểm cần nhắc tới là ổn định kinh tế vĩ mô. Trong các thời kỳ khủng hoảng tài chính hoặc thiên tai, bảo hiểm có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho các chính phủ và doanh nghiệp, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế và ngăn chặn những cú sốc tiêu cực lan rộng. Bởi một trong những vai trò quan trọng nhất của bảo hiểm là phân tán rủi ro.

Thay vì để một cá nhân, hay tổ chức phải chịu toàn bộ gánh nặng tài chính khi xảy ra sự cố, bảo hiểm cho phép sự chia sẻ rủi ro giữa nhiều bên tham gia. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro lên từng cá nhân, doanh nghiệp, và từ đó giảm thiểu những hậu quả xấu lên nền kinh tế chung.

Nhìn nhận đúng để ngành bảo hiểm phát triển xứng với tiềm năng - Ảnh 1.

Tọa đàm "Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"

Đóng góp nhân lực công tác phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại

Tại tọa đàm, các đại biểu đã có những chia sẻ theo góc nhìn riêng (từ phía doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia). Qua đó nêu lên giá trị của bảo hiểm đối với phòng ngừa, hỗ trợ rủi ro, tiềm năng về mặt kinh tế và cả những khó khăn vướng mắc hiện hữu đối với việc phát triển thị trường.

Trong đó, chia sẻ của Tổng giám đốc công ty bảo hiểm ABIC Nguyễn Hồng Phong cho thấy ngoài vai trò xử lý, khắc phục hậu quả, phía doanh nghiệp bảo hiểm còn đóng góp vai trò trong giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra với khách hàng. 

Nói riêng trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ, hàng trăm nhân viên, cán bộ của ABIC cùng với các cán bộ của ngân hàng mẹ là Agribank đã trực tiếp gặp gỡ khách hàng vùng dự báo bị ảnh hưởng, tuyên truyền hướng dẫn phòng tránh, góp phần giảm thiểu rủi ro.

Nhìn nhận đúng để ngành bảo hiểm phát triển xứng với tiềm năng - Ảnh 2.

Bảo Yagi và hoàn lưu gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lý giải rõ hơn về điều này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng chính sự chủ động của các công ty bảo hiểm khi tư vấn, hướng dẫn khách hàng phòng ngừa thiệt hại thiên tai sẽ đóng góp một phần quan trọng. Theo ông Phan Đức Hiếu, thiệt hại được giảm thiểu đồng nghĩa giá trị chi trả cũng thấp đi, điều này có ý nghĩa với cả doanh nghiệp bảo hiểm và tính liền mạch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Giảm tổn thất, thì đồng nghĩa với việc sản xuất sẽ khôi phục nhanh hơn. Đây cũng là một giá trị của bảo hiểm mà ít được truyền thông và xã hội nhắc tới”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Để ngành bảo hiểm phát triển - Cần giải quyết vấn đề khủng hoảng niềm tin

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, ngành bảo hiểm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi vì số tiền tái đầu tư trở lại để phát triển kinh tế của ngành bảo hiểm của cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ của năm 2023 là khoảng 757.000 tỷ đồng. 

Năm 2023, ngành bảo hiểm Việt Nam nhân thọ đã chi bồi thường là 24.000 tỷ. Bảo hiểm vẫn chi trả bồi thường thiệt hại xảy ra hàng năm. Nếu cộng cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thì số tiền chi trả bồi thường thiệt hại năm 2023 là 84.000 tỷ, con số này không phải là nhỏ.

Tuy nhiên, so với bình diện khu vực hay thế giới, tại Việt Nam năm 2023 thu khoảng 9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng rõ ràng tỷ lệ mua bảo hiểm tại Việt Nam là rất thấp, trong khi tại khu vực châu Á, tỷ lệ trung bình khoảng 4%, còn thế giới khoảng 9%, như Mỹ là 90%.

Nhìn ra các nước trên thế giới, vừa qua, cơn bão Milton đổ bộ vào Mỹ đã gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD. Tỷ lệ được bảo hiểm tại Mỹ là rất cao, giá trị được bảo hiểm là 125 tỷ USD. Việt Nam tỷ lệ được bảo hiểm mới chỉ khoảng 17%, trong khi tại Mỹ tỷ lệ được bảo hiểm là 71%. Đưa ra con số so sánh này, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đang nằm trong top thấp của các nước về tỷ lệ bảo hiểm.

Hiện nay, nguồn lực của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn non trẻ. Tổng vốn của các nghiệp bảo hiểm Việt Nam năm 2023 khoảng 190.000 nghìn tỷ. Theo ông Tuấn, con số này cho thấy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng và chưa xứng với tiềm năng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại tọa đàm, hiện nay nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo hiểm còn chưa cao, niềm tin đối với ngành bảo hiểm cũng chưa vững chắc do nhiều sự vụ gây dư luận lớn, nhiều nhất ở ngạch bảo hiểm nhân thọ. Dẫn đến tình trạng thị trường bảo hiểm chưa thực sự phát triển đúng tiềm năng.

Trong tương lai, những khúc mắc này cần được giải quyết triệt để, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tư vấn, mua bán bảo hiểm. Bởi theo Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trương Xuân Cừ, vấn đề khủng hoảng niềm tin đối với ngành bảo hiểm không chỉ kéo chậm sự phát triển về mặt kinh tế, mà còn khiến những đối tượng chống phá có lý do lợi dụng làm lung lạc niềm tin của người dân.