Dạy nghề may cho hàng chục trẻ em nghèo ở địa phương
Vào giữa tháng 10, qua lời giới thiệu của người dân chúng tôi đi men theo con đường để tìm đến ngôi chùa Kim Sơn (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa). Đây là ngôi chùa nằm phía dưới chân núi đèo Rù Rì, xung quanh bao bọc bởi những đồi núi cao và phía đông nhìn ra hướng biển.
Khi vừa đặt chân đến cổng chùa, dạo quanh một vòng nhận thấy khung cảnh rất đẹp với nhiều cây xanh mát rượi, không gian yên tĩnh. Nhìn thoáng xa xa một chút thấy các em nhỏ đang tung tăng vui cười, vừa kết thúc buổi học và được các bố mẹ, ông bà đón về trên những chiếc xe máy, xe đạp cà tàng của người dân vùng quê nghèo ở xứ biển.
Đang loay hoay dạy nghề cho từng em, cô Bùi Thị Bích Hợp - Giáo viên lớp may tại chùa Kim Sơn cho biết, ngày xưa khu vực dạy chữ và dạy nghề cho các em học sinh xây dựng đơn sơ, chỉ làm tạm vài cây tre hoặc những loại cây gỗ tạp và phía trên thì làm bằng tranh, bàn ghế cũng làm tạm bợ để có cái ngồi.
Mỗi khi thấy trời mưa lớn các em không học được phải tạm nghỉ học, còn mưa nhỏ hay trời nắng vẫn cố gắng gieo mầm cho các em, mong muốn cho các em có cái nghề, biết cái chữ để sau này còn ra xã hội để kiếm công ăn việc làm. Dần dần về sau, cũng đã cố gắng xây dựng căn nhà kiên cố với các phòng học được trang bị khác nhau, hệ thống chiếu sáng, đường đi, chỗ học hiện nay đã tạm ổn hơn so với lúc trước - cô Bùi Thị Bích Hợp nói.
Cô Hợp cho biết, đến khoảng năm 2007 mới xây dựng được căn phòng để cho các em có hoàn cảnh khó khăn học may, không những cô mà nhà chùa và các em học sinh ai cũng mừng vì có chỗ che nắng che mưa không sợ mưa bão nữa. Nhờ học được nghề may mà nhiều em sau khi học ra trường đã có công ăn việc làm, nhiều em ra nghề được nhận vào làm ở Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Xí nghiệp May Khatoco hoặc các cơ sở may mặc trên địa bàn để làm.
Bố mẹ các em là những người mồ côi, nhặt ve chai, bán vé số,...
Cô Hợp cho hay, ban đầu lớp chỉ có vài máy may, máy vắt sổ cũ. Nhưng nhờ sư cô đi xin nơi này, nơi kia nên giờ lớp có gần chục máy may; kim chỉ, phụ liệu may cũng khá đa dạng để các em thực hành. Đến nay, cô đã hướng dẫn, chỉ dạy cho chục trẻ em biết làm với nghề và nuôi sống được bản thân.
Cô Hợp bộc bạch, các em ở đây đa số đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau, gia đình mồ côi, gia đình có bố hay mẹ nhặt ve chai, bán vé số, phụ hồ, công nhân, làm rẫy, đi biển, cuộc sống cũng chỉ đủ trang trải qua ngày nên không có chi phí cho việc học ở trường, nhiều em phải bỏ học đến đây tìm con chữ.
Căn cứ vào trình độ tiếp thu của từng em cô Hợp hướng dẫn cho phù hợp, các em học từ cơ bản cho đến nâng cao, phải học các bước như: Học đạp vải đường thẳng, đường cong, đường tam giác, tiếp đó các em qua máy công nghiệp để học lắp ráp sản phẩm. Nhiều em nơi đây học rất nhanh, thuần thục sau khi làm thành sản phẩm các em tự ủi.
Em Nguyễn Cẩm Tú (16 tuổi) cho biết: "Gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ em phải đi làm hồ để mưu sinh và phải thuê tạm nhà trọ gần bến xe phía Bắc để ở. Do cuộc sống khốn khó cả ba tụi em được nhà chùa hỗ trợ đưa vào đây học nghề may, nhà chùa còn hỗ trợ cơm miễn phí. Mong muốn sẽ học thật tốt để sau này có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Đồng thời, hỗ trợ những người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn".
Tại đây, em Lê Thị Lê Mai (17 tuổi) cho biết, “Em theo học lớp may được 4 năm. Hiện giờ đã may được áo, quần rất thuần thục. Dự định khi đủ 18 tuổi, em sẽ xin đi làm ở các xí nghiệp để có tiền phụ gia đình, các cô ở đây chỉ rất tận tình và hướng dẫn cụ thể.
Được biết, lớp học tình thương nơi đây dạy từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 5 với nhiều độ tuổi khác nhau, buổi sáng từ 7h30 đến - 10h các em học chữ, trưa các em ăn cơm chay nghỉ ngơi chiều học nghề may. Gạo và thức ăn được nhà chùa Kim Sơn tạo điều kiện hỗ trợ cho các em ăn hàng ngày.
Cô Thích Nữ Diệu Hiếu (chùa Kim Sơn) cho biết, hiện nay đang tiếp nhận 42 em từ gia đình các vùng núi, vùng biển hay vùng quê nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chủ yếu dạy cho các em biết viết, biết tính toán tại lớp học tình thương. Chùa đã duy trì từ năm 1995 tới nay, ban đầu lớp học rất đông, có khi nhận 70 em, 100, thậm chí 120 em, dần dần về sau các em học xong ra nghề tìm kiếm việc làm nên số lượng có giảm.
Cô Diệu Hiếu cho biết thêm, ngày xưa nơi này chỉ là bãi rác, do hoàn cảnh khó khăn nên các gia đình dẫn theo các con cái nhỏ đi theo bố mẹ kiếm sống, thấy vậy nhà chùa che chòi để các em học dần dần về sau các gia đình đem các con em đến đây học, nhiều gia đình đã duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Em Nguyễn Thị Hồng Nhung ở phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang cho biết, học ở nơi đây có nhiều bạn bè rất vui, có bạn bè thầy cô giúp đỡ. Các thầy cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chúng em cách làm người, biết chào hỏi người lớn, biết lễ phép, học những cách làm hay để áp dụng sau này ra thực tế ngoài đời.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khác với những lớp học ở trường, ở các lớp này, các bạn nhỏ có độ tuổi khác nhau, học chương trình khác nhau ngồi chung một lớp. Nhưng các cháu đều có chung niềm đam mê học tập, chăm chỉ trong lớp và những tiếng ê a trong lớp đã nói lên ngôi chùa đem lại tình thương, cưu mang những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.