Nét đẹp độc đáo của ngôi chùa cổ có tên Linh Quang ẩn sâu trong vườn Văn giữa lòng Hà Nội

Thành Nam Thứ tư, ngày 04/09/2024 11:41 AM (GMT+7)
Ẩn mình sau những con phố ồn ào, náo nhiệt, chùa Linh Quang (thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) nằm ẩn sâu giữa vườn Văn tươi tốt, đầy bóng mát. Tuy nhỏ bé và xuống cấp nhưng ngôi chùa với tuổi đời gần 300 vẫn năm toát lên vẻ cổ kính, linh thiêng và thanh tịnh.
Bình luận 0

Ở giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội vẫn tồn tại những ngôi chùa với niên đại hàng trăm năm lịch sử, gắn với những dấu tích huyền thoại linh thiêng mà ít nơi nào có được- đó là chùa Linh Quang. Chùa Linh Quang ngự tại vườn Văn (thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).

Một xã ngoại thành có tới 6 ngôi chùa

Theo ông Tạ Minh Tâm- nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử xã Thanh Liệt (người từng làm thư ký cho cố Giáo sư Vũ Khiêu), ít có nơi nào có nét độc đáo như ở xã Thanh Liệt- một xã có tới 6 ngôi chùa. 

Trong 6 ngôi chùa này thì có tới 4 ngôi chùa có chữ Quang bên trong. Có thể kể đến như chùa Quang Phúc, chùa Quang Ân, chùa Long Quang và chùa Linh Quang.

Nét đẹp độc đáo của ngôi chùa cổ có tên Linh Quang ẩn sâu trong vườn Văn giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Không được trùng tu, ngôi chùa Linh Quang (thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội)-ngôi chùa có từ thời nhà Lê dần xuống cấp theo thời gian. Rêu, nhiều loại cây dây leo bao trùm lên ngôi chùa, tạo lên vẻ hoang sơ.

Chùa Linh Quang tới nay có niên đại gần 300 năm. Tương truyền ngôi chùa này thuộc thôn Văn được xây dựng từ thời nhà Lê vào khoảng những năm 1740 tên chữ là Linh Quang Tự (nghĩa là ánh sáng tâm linh, thiêng liêng).

Chùa Linh Quang nằm trên mảnh đất nổi cao gọi là gò chùa. Gò đất này có diện tích rộng khoảng 300m2, có hình thù độc đáo, có dáng hình người (gọi là hình nhân) chân co, chân duỗi, đầu hướng bắc, một tay chỉ vào trong thôn Văn. Thời xa xưa xung quanh chùa Linh Quang được trồng rất nhiều ổi, nên chùa còn có tên gọi khác là chùa ổi.

Theo ông Tâm, từ xa xưa gò chùa đã là nơi đất lành chim đậu, cây cối xanh tươi thu hút rất nhiều các loài chim đến sinh sống, tạo nên một không gian linh thiêng chứa đầy sắc màu thiên nhiên. Vào những năm 1968 có nhiều đoàn khảo cổ đến chùa Linh Quang tìm hiểu đã xác định những viên gạch xây chùa có niên đại vào thời nhà Lê.

Ngôi chùa được xây dựng có hậu cung, đại bái với quy mô nhỏ, với diện tích hơn chục m2, có ban thờ áp vào tường hậu, bục thờ ở chính giữa cung và hai bục nhỏ ở đại bái. Cung xây theo kiểu vòm cuốn, hai cửa nhỏ kiểu tò vò ra vào cuốn cong trước cung và đại bái. Trong chùa có 3 tượng Phật tam thế, nhỏ tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai…

Phía bên ngoài các loại cây dây leo tươi tốt bao trùm lên ngôi chùa. Vì có tuổi đời lâu năm, không được trùng tu nên ngôi chùa xuống cấp theo thời gian, nhiều viên ngói lợp chùa bị hư hỏng... Để bảo tồn và lưu giữ ngôi chùa thiêng, một số người dân đã thiết kế mái tôn, khung thép làm mái che cho chùa.

Theo ông Tâm, tương truyền từ xa xưa khi nước ta bị xâm lược, chùa Linh Quang đã trở thành nơi cất dấu vàng bạc, châu báu của kẻ xâm lược. Về sau này, thế hệ hậu duệ của những kẻ xâm lược đã tìm đến chùa lấy trộm vàng bạc, châu báu cũng từ đây chùa Linh Quang hết thiêng và trở thành phế tích.

Sau này, 3 họ Tạ, Ngô, Phạm trong thôn Văn kết hợp thành liên chi họ (gọi là Dâu Nhất) sử dụng chùa Linh Quang làm nơi thờ tự. Sau cải cách ruộng đất năm 1956, do hoàn cảnh chiến tranh, và vận động của cuộc sống, các dòng họ lớn mạnh lên rồi tự tách ra sinh hoạt riêng...

Phía sau chùa là ban thờ thủy tổ dòng họ Tạ thôn Văn. Tương truyền, ngay sau ban thờ có cây Xà Đá rất linh thiêng, hễ có một cành cây gẫy là trong họ xảy ra biến cố như có nhà cháy… trên cây Xà Đá có đôi rắn thần màu trắng có mào quấn quýt lấy nhau trên ngọn cây, thường xuất hiện vào giữa trưa nắng mùa hè. Mỗi khi màn đêm buông xuống đôi rắn thần lại chui vào hang dưới gầm ban thờ tổ họ Tạ.

Cũng theo ông Tâm, vào những năm 1948 chùa Linh Quang còn là nơi đặt trụ sở hoạt động cách mạng đầu tiên của người dân địa phương. Nơi đây từng là trụ sở hoạt động của nhiều nhà du kích nổi tiếng như Đặng Đình Châu, Đặng Đình Hỗ, Nguyễn Đăng Hữu… Trong đó, ông Đặng Đình Châu là người hoạt động cách mạng đầu tiên cũng là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Quang Bằng.

Mong muốn khôi phục, xây dựng ngôi chùa cổ Linh Quang

Theo những người dân thôn Văn chính nhờ sự linh thiêng của ngôi chùa Linh Quang mà nhiều bảo vật có niên đại hàng trăm năm vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. 

"Chùa Linh Quang không khóa cửa bao giờ, cửa chùa luôn rộng mở để chào đón mọi người ghé thăm, cũng chính nhờ sự linh thiêng của ngôi chùa mà nhiều bảo vật có tuổi đời hàng trăm năm vẫn tồn tại tới ngày hôm nay…", một người dân thôn Văn nói.

Trước lịch sử hàng trăm năm của ngôi chùa, người dân thôn Văn mong mỏi tới đây các nhà hảo tâm sẽ cùng bà con thôn Văn xây sửa, tôn tạo ngôi chùa Linh Quang khang trang, xứng với niên đại hàng trăm năm của ngôi chùa, trở thành nơi sinh hoạt phật giáo của bà con thôn Văn và xã Thanh Liệt.

Nét đẹp độc đáo của ngôi chùa cổ có tên Linh Quang ẩn sâu trong vườn Văn giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Theo ông Tạ Minh Tâm- nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử xã Thanh Liệt chùa Linh Quang có niên đại gần 300 năm với nhiều tích rất linh thiêng.

Ông Đặng Đình Khôi (SN 1953, thôn Văn, xã Thanh Liệt)- Trưởng họ Đặng xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho hay, chùa Linh Quang có tuổi đời gần 300 năm, tới nay ngôi chùa đã xuống cấp theo thời gian. Ông Khôi mong mỏi trong tương lai chùa Linh Quang sẽ được sửa sang, xây mới, khang trang để chào đón các phật tử trong cả nước.

Theo ông Khôi, trước nguyện vọng này, bà con trong thôn Văn đã họp lại, có tới 100% ý kiến đồng ý xây mới ngôi chùa Linh Quang để phục vụ tín ngưỡng phật giáo cho bà con.

Theo ông Nguyễn Duy Nhật- Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, Hội người cao tuổi, các cụ cao niên trong thôn Văn… cũng có báo cáo lên xã Thanh Liệt nguyện vọng của người dân trong thôn muốn sửa sang, xây dựng mới ngôi chùa Linh Quang. 

Tiếp đó, UBND xã Thanh Liệt đã có văn bản báo cáo lên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì, nhận được báo cáo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì đã cử một số cán bộ về khảo sát, xem xét nguyện vọng của bà con nhân dân.

Theo ông Nhật, chính quyền địa phương ủng hộ nguyện vọng của bà con nhân dân thôn Văn là muốn có một ngôi chùa khang trang, sạch đẹp để sinh hoạt tín ngưỡng phật giáo…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem