Dân Việt

TP.HCM thu được gần 5 tỷ đồng từ phí vỉa hè

Xuân Huy 17/10/2024 18:23 GMT+7
Đại diện TP.HCM cho biết số phí vỉa hè thu được đến nay khoảng 4,799 tỷ đồng. Trong đó, Sở GTVT thu phí đối với các hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp khoảng 1,554 tỷ đồng.

Chiều 17/10, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, thông tin về tình hình thu phí vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Ông Dũng cho biết, tại TP.HCM, ngoài Sở GTVT còn có 4 quận triển khai thu phí gồm quận 1, quận 3, quận 10, quận 12.

Số phí thu được đến nay khoảng 4,799 tỷ đồng (trong đó Sở GTVT thu phí đối với các hoạt động văn hóa, bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp khoảng 1,554 tỷ đồng; các quận hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình, văn hóa trên hè phố khoảng 3,245 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Sở GTVT, thời gian đầu triển khai thu phí vỉa hè đã tạo được sự đồng thuận từ người dân, tâm lý ổn định khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đúng theo quy định; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

TP.HCM thu được gần 5 tỷ đồng từ phí vỉa hè- Ảnh 1.

TP.HCM thu được gần 5 tỷ đồng từ việc thu phí vỉa hè. Ảnh: X.H.

Từ đó, từng bước tác động, điều chỉnh nhận thức, hình thành thói quen, hành vi tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng lòng đường, hè phố.

Qua quá trình thí điểm, các đơn vị đang phối hợp, rà soát, xác định các vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về hiện trạng lòng đường, hè phố, tâm lý thói quen của người dân, đơn vị quản lý, bộ máy tổ chức thực hiện…

Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì tâm lý, thói quen xem hè phố, lòng đường trước nhà thuộc quyền quản lý, định đoạt của bản thân; một số đơn vị quản lý còn chậm trễ trong triển khai thu phí, quản lý lòng đường, hè phố.

Bên cạnh đó, hiện trạng bề rộng lòng đường, hè phố còn nhiều bất cập như bề rộng hẹp, bố trí nhiều công trình hiện hữu, công tác bảo trì chưa được quan tâm, xử lý kịp thời, nguồn kinh phí cho công tác bảo trì hè phố còn hạn chế…