Ít người biết, TP.HCM cũng trồng được lúa ST25

Quang Dương Thứ năm, ngày 17/10/2024 16:26 PM (GMT+7)
Mặc dù diện tích trồng lúa còn khiêm tốn, nhưng nhiều nông dân huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã mạnh dạn thử nghiệm trồng giống lúa ST25 và bước đầu cho thấy hiệu quả.
Bình luận 0

Từ năm 2022 đến nay, người dân trồng lúa trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) dần thử nghiệm trồng giống lúa ST25, kết quả bước đầu cho thấy cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Trồng lúa ST25 ngay tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Hai (ngụ xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một trong số những nông dân đầu tiên của TP.HCM trồng thử nghiệm giống lúa ST25.

Ít người biết, TP.HCM cũng trồng được lúa ST25 - Ảnh 1.

Ông Hai đang thăm ruộng lúa ST25 của mình. Ảnh: Q.D

Ông Hai cho biết, ông đang trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ. Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ nên ruộng lúa của ông xanh hơn, thân cứng và không bị dư đạm. Giá bán của lúa ST25 cũng cao hơn những giống trước đây mà ông trồng.

Ông Hai là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa cao sản trên địa bàn xã Hưng Long, gồm 7 thành viên với tổng diện tích 5,5ha.

Anh Võ Văn Khôi - thành viên Tổ hợp tác cho biết, trước đây vụ Hè Thu anh chủ yếu trồng giống lúa IR 5451 hoặc OM 6976. Từ khi chuyển sang trồng giống lúa ST25, anh Khôi nhận thấy giá trị kinh tế rõ rệt.

“Làm giống bình thường giá từ 4.000-4.500 đồng/kg, lúa ST25 thì bán được 8.000-8.500 đồng/kg hoặc có thời điểm lên đến 9.000 đồng/kg. Giờ là tôi nhất định trồng giống này, không thay đổi nữa”, anh Khôi khẳng định.

Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh cho biết, vụ Hè Thu vừa rồi, năng suất trung bình của các ruộng lúa ST25 đạt 5-5,5 tấn/ha và sản phẩm đầu ra được công ty thu mua cao hơn so với giá trị trường 1.000 đồng/kg lúa (giá bán lúa ST25 trên thị trường 8.000 đồng/kg).

Ít người biết, TP.HCM cũng trồng được lúa ST25 - Ảnh 2.

Anh Khôi thấy ưng bụng với giống lúa ST25 vì bán được giá. Ảnh: Q.D

Tại xã Quy Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM), mô hình Tổ hợp tác trồng lúa ST25 được triển khai trong năm 2024 với 14 thành viên, tổng diện tích trồng đạt 14,4ha.

Các thành viên của tổ tham gia điểm trình diễn mô hình trồng lúa áp dụng phương pháp canh tác do Trạm Bảo vệ thực vật hướng dẫn, có ghi chép nhật ký đồng ruộng. Để triển khai mô hình này, UBND xã Qui Đức đã kết nối liên kết với Công ty TNHH xúc tiến thương mại dịch vụ vận tải Tiến Phát hỗ trợ 100% lúa giống, 50% phân bón, đồng thời bao tiêu đầu ra cho các thành viên của tổ hợp tác.

Vụ vừa rồi, tổ hợp tác thu hoạch được 79 tấn/14,4ha, với giá thu mua 9 triệu đồng/tấn, tổng thu là 711 triệu đồng.

Hướng đến tạo thương hiệu ST25 Bình Chánh

Theo Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, để thống nhất các tiêu chí sạch, an toàn, trước khi xuống giống, các cơ quan liên quan đã tuyên truyền, chia sẻ kiến thức về quy trình trồng lúa ST25 và đưa ra những khuyến cáo khi trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân.

Ít người biết, TP.HCM cũng trồng được lúa ST25 - Ảnh 3.

Một ruộng lúa ST25 tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Q.D

Cơ quan chức năng khuyến cáo bà con chỉ dùng các chế phẩm sinh học và phân chuồng bón lúa. Xã Qui Đức còn thực hiện bản đồ số hóa về định vị các mô hình trồng lúa ST25 của xã trên Google map, từ đó giúp doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tìm đến các mô hình trồng lúa ST25.

Để tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình trồng lúa ST25 có năng suất và chất lượng cao tại các xã có diện tích trồng lúa lớn và tập trung, xã có quy hoạch giữ lại đất lúa, huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai mô hình, tạo chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra và giúp người dân.

Ít người biết, TP.HCM cũng trồng được lúa ST25 - Ảnh 4.

Một sản phẩm gạo ST25 của huyện Bình Chánh được đóng gói. Ảnh: Q.S

Đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT TP.HCM theo dõi mô hình và tiến tới chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm lúa ST25 trên địa bàn nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm lúa ST25 tại huyện Bình Chánh.

Huyện Bình Chánh có diện tích tự nhiên 25.255,99ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 60% diện tích đất tự nhiên của huyện. Các mô hình đóng góp vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp hiện nay chủ yếu là rau ăn lá, rau ăn quả với diện tích canh tác 550ha; hoa kiểng khoảng 730ha; cây ăn trái 506ha; cá kiểng 56ha; cá thịt 402ha; chăn nuôi heo gần 12.000 con; đàn bò 4.932 con; đất trồng lúa 1.567ha.

Diện tích đất nông nghiệp còn lại là vườn tạp và một số quy hoạch các dự án trên địa bàn. Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được xác định là rau an toàn, hoa mai, hoa lan và cá kiểng được xem là sản phẩm tiềm năng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem