Giữa muôn trùng sóng nước của vùng sông Cửu Long, trên những cánh đồng lúa xanh mướt của miền Bắc, hay giữa rừng núi mây ngàn Tây Nguyên, những hợp tác xã (HTX) tiêu biểu của Việt Nam đang ngày đêm miệt mài, gắn kết những người nông dân, gìn giữ và phát huy giá trị của nông sản quê hương.
Năm 2024, 63 HTX tiêu biểu được vinh danh, mang theo những cái tên độc đáo, chứa đựng cả lịch sử, văn hóa và khát vọng của con người. Đằng sau mỗi cái tên ấy là một câu chuyện, một hành trình và cả niềm tự hào sâu sắc.
Những cái tên của HTX không chỉ là danh xưng mà còn chứa đựng cả linh hồn của mảnh đất và con người nơi đó. HTX Nông nghiệp Chợ Vàm ở An Giang là một ví dụ. "Chợ Vàm" không chỉ là một khu chợ nổi ven sông, mà còn gợi lên bức tranh sinh hoạt tấp nập, rộn ràng của một vùng quê miền Tây. Hình ảnh những người nông dân chân chất với nón lá, tay lấm chân bùn, nhưng luôn tràn đầy niềm vui khi mang những sản phẩm nông sản, thủy sản của mình ra chợ buôn bán, đã trở thành biểu tượng của sự lao động bền bỉ và tình yêu quê hương. Những hạt lúa nặng trĩu, những mẻ cá tươi rói không chỉ là thành quả lao động, mà còn là tinh hoa của đất trời, mồ hôi và công sức của người nông dân.
Chia sẻ với Dân Việt, đại diện HTX Nông nghiệp Chợ Vàm cho hay, HTX hiện có 316 thành viên, tổng vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. HTX đang hoạt động với 5 dịch vụ: Bơm tưới và tiêu úng; nạo vét cơ giới; tín dụng nội bộ; liên kết tiêu thụ sản phẩm; cung ứng nước sinh hoạt… và có lãi 5 năm liên tục.
Năm 2023, tổng doanh thu các dịch vụ của HTX đạt hơn 4,39 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, mức lãi thực tế đạt hơn 471 triệu đồng. Hiện, đơn vị đang hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp các hoạt động xã hội, xây dựng nông thôn mới. Qua thành tích đạt được, HTX Nông nghiệp Chợ Vàm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen, cờ thi đua nhiều năm liền.
Ông Nguyễn Bích Thao cho biết, để xuất khẩu cà phê, ông đã tìm hiểu và nắm vững được tiêu chuẩn của từng nước. Bởi, mỗi nước có tiêu chuẩn xuất khẩu và văn hóa cà phê khác nhau chứ không phải cà phê nào cũng sẽ được xuất khẩu.
Theo đó, HTX Cà phê Bích Thao đã xây dựng 54 khu sơ chế men, cà phê xuất đi nước nào thì lên men theo tiêu chuẩn nước đó. Ngoài ra, HTX cũng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và chế biến cà phê. Hiện nay, 97% cà phê đặc sản của HTX đã được xuất khẩu còn lại để phục vụ thị trường nội địa. Giá cà phê Arabica xuất khẩu có thể lên đến 230.000-270.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giá của cà phê xuất thô.
Sau 5 năm hình thành và phát triển, HTX Cà phê Bích Thao đã có những bước phát triển vững chắc. Trong vụ cà phê 2019-2020, HTX đã xuất bán được trên 2.000 tấn cà phê nhân và 12 tấn cà phê bột nguyên chất, trong đó 80% sản phẩm được xuất khẩu sang Đức, Pháp và Mỹ. Doanh thu của HTX đạt 40 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX xuất khẩu 4.000-6.000 tấn cà phê nhân; 1,5 tấn cà phê rang xay và cà phê bột. Tại thị trường nội địa, thương hiệu cà phê Bích Thao cũng vinh dự là một trong những sản phẩm hiếm hoi của của Sơn La được vinh dự là sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, mang đến giá trị lớn cho người nông dân.
Không kém phần thú vị, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước của Phú Yên không chỉ lấy tên xã Xuân Phước làm tên của HTX mà cái tên này còn mang trong mình hình ảnh mùa xuân, biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và niềm tin vào một tương lai đầy phước lành. Phú Yên vốn nổi tiếng với những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, những cánh đồng vàng óng ả dưới ánh mặt trời. "Xuân Phước" là tên gọi mang trong mình hơi thở của đất trời, là sự giao hòa của thiên nhiên và lao động con người.
Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX cho biết: "Là HTX có 2.000 thành viên chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên việc hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất đã khẳng định được vai trò đồng hành của HTX. Kiên cố hóa kênh mương đảm bảo tưới tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp bình ổn giá; xây dựng các mô hình sản xuất... là những cách HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước đang làm để hỗ trợ thành viên. HTX bê tông hóa được 17.300m kênh mương. Hằng năm, HTX cung ứng 270 tấn phân bón, 26 tấn lúa giống với giá phù hợp để bà con có thêm kênh lựa chọn".
Không phải ai cũng biết rằng đằng sau những cái tên HTX là cả một hành trình dài đầy gian khó. HTX Rau an toàn Túy Loan ở Đà Nẵng đã từng trải qua biết bao thách thức. Ngày đầu thành lập, những người nông dân vẫn chỉ canh tác theo phương pháp truyền thống, thiếu kỹ thuật và công nghệ, nhưng với niềm đam mê và khát vọng làm nên sản phẩm sạch, họ đã không ngừng học hỏi và thay đổi. Cái tên "Túy Loan" gắn liền với vùng đất mộc mạc, bình dị, nơi mà từng chiếc lá rau xanh tươi, không có hóa chất, an toàn tuyệt đối, đã chinh phục trái tim của người tiêu dùng. Mỗi bó rau sạch không chỉ là sản phẩm của công sức, mà còn là tình yêu và sự cam kết vì sức khỏe cộng đồng.
Đến nay, HTX rau an toàn Túy Loan có 2 sản phẩm được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận đạt chuẩn OCOP gồm: rau ăn lá đạt chuẩn 3 sao và rau ăn quả đạt chuẩn 4 sao, được chứng nhận PGS và VietGAP về sản xuất rau an toàn.
Câu chuyện của HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong ở Quảng Trị cũng cảm động không kém. Xuất phát từ ý tưởng trồng lúa và rau sạch trên mảnh đất nghèo khó của vùng đất đầy nắng gió, HTX đã mang đến một bước đột phá khi kiên quyết nói không với hóa chất và chất bảo quản. Cái tên "Canh tác tự nhiên" không chỉ là cách làm nông nghiệp, mà còn là lời cam kết với thiên nhiên, giữ cho đất đai luôn tươi tốt, không bị hủy hoại bởi các loại thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.
Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết: "Triệu Phong là một huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là canh tác cây lúa với diện tích gieo trồng hằng năm đạt trên 11.300 ha. Thế nhưng nhiều năm qua, chất lượng gạo vẫn chưa đạt chuẩn, dẫn đến người tiêu dùng chưa thực sự an tâm bởi quá trình sản xuất lúa vẫn còn phụ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... Sự khát khao về một sản phẩm gạo sạch luôn được cấp ủy, chính quyền và nông dân người làm nên hạt gạo tư lự nói: Với những trăn trở trên nên vụ hè-thu năm 2016, lúa hữu cơ đã bắt đầu "bén duyên" trên vùng đất thổ nhưỡng Triệu Phong của chúng tôi cho tới nay".
Một ví dụ khác là HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A ở Cần Thơ. Những vườn cây trái sum suê nơi đây đã trở thành biểu tượng của một vùng quê trù phú, với những trái cây tươi ngon, từ xoài, mít, đến sầu riêng, mỗi loại đều đạt chuẩn OCOP 4 sao. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi có được danh tiếng như hiện tại, HTX đã phải đối mặt với vô số khó khăn, từ thiên tai, dịch bệnh đến thị trường tiêu thụ hạn chế. Tuy nhiên, với sự đoàn kết và tinh thần không ngừng vươn lên, HTX đã biến thử thách thành cơ hội, khẳng định vị thế của mình trên thị trường.
Kết nối cộng đồng, đem tinh hoa lao động Việt vươn tầm quốc tế
Tại tỉnh Đồng Nai, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chuyên về chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gà sạch theo mô hình an toàn sinh học. Chia sẻ về cái tên "HTX nông nghiệp Long Thành Phát", đại diện HTX thông tin, cái tên mang ý nghĩa mạnh mẽ giữa tên huyện Long Thành, kết hợp giữa "Long" – biểu tượng của sức mạnh và may mắn trong văn hóa Á Đông, và "Phát" – thể hiện sự phát triển thịnh vượng. HTX này đang áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một trong những nông dân tiên phong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Gà công nghệ cao của HTX Long Thành Phát đã được xuất đi Nhật Bản.
Không chỉ là một trong những chủ trang trại đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, ông Quyết còn xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước là hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao.
Với ý chí, bản lĩnh quyết tâm chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, hiện nay, 10 trang trại của 10 thành viên có tổng đàn gà bảo đảm sản lượng lớn có nguồn cung ổn định khoảng 25.000 con/ngày cho đối tác chế biến XK thịt gà sang Nhật Bản. Nguồn gà còn lại (30%), HTX tiêu thụ trong nước với các doanh nghiệp có thương hiệu như Ba Huân, San Hà, Tân Mỹ Châu, Long Bình…
HTX Cây ăn quả Tân Mỹ ở Bình Dương cũng là một ví dụ tiêu biểu. Với cái tên "Tân Mỹ" – vừa hiện đại, vừa mỹ lệ vừa tên của xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên– HTX đã khéo léo xây dựng thương hiệu dựa trên những giá trị truyền thống và sáng tạo.
Nằm bên dòng sông Đồng Nai và sông Bé thơ mộng, đường vào xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) phủ kín một màu xanh của cây có múi, nhiều nhất là bưởi đường lá cam và bưởi da xanh. Cơ duyên cây bưởi sinh sôi trên đất này và quá trình HTX Cây ăn quả Tân Mỹ ra đời là cả hành trình gian nan và không kém phần thú vị.
Để rồi hôm nay, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ đang là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt ở huyện Bắc Tân Uyên. Nhờ đi đúng hướng, năng động, nắm vững công nghệ, nhiều sản phẩm của HTX đã đạt OCOP cấp tỉnh với thứ hạng cao, điển hình như bưởi da xanh đạt 4 sao, bưởi đường lá cam đạt 3 sao, dưa lưới đạt 3 sao.
Điều đặc biệt ở các HTX là tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Họ không chỉ là những người sản xuất nông sản mà còn là những người giữ gìn và phát huy văn hóa địa phương. HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng Đồng Mường Lống ở Nghệ An đã kết hợp giữa việc trồng trọt và phát triển du lịch cộng đồng. Cái tên "Mường Lống" gợi lên hình ảnh những thung lũng yên bình giữa núi rừng, nơi người dân gìn giữ những phong tục, tập quán truyền thống và biến nó thành nguồn lực để phát triển kinh tế.
Qua câu chuyện về những cái tên độc đáo và sự thành công của các HTX tiêu biểu, ta thấy rõ hơn về vai trò quan trọng của HTX trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo tồn văn hóa và kết nối cộng đồng. Mỗi cái tên là một câu chuyện, một lời hứa về chất lượng và sự tận tâm của những người nông dân.