Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Phước có bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Về phía tỉnh Đắc Nông, có ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Nông. Ngoài ra, còn có các chuyên viên sở, ngành liên quan của 2 tỉnh Bình Phước và Đắc Nông.
Đại diện lãnh đạo 2 địa phương đã làm việc với đại diện Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Nội dung buổi làm việc là bàn về các công viện chuẩn bị tiền dự án tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắc Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Trong đó, các bên liên quan đi vào công việc cụ thể về nội dung thỏa thuận để lập "Báo cáo nghiên cứu khả thi và các công việc tiếp theo" của dự án cao tốc nói trên.
Tại buổi làm việc, đại diện Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam đã thông tin nhanh về tình hình chuẩn bị triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 cùng các kiến nghị, đề xuất với 2 tỉnh.
Theo đó, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thống nhất ký văn bản thỏa thuận, với tiến độ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình UBND tỉnh Bình Phước vào ngày 10/3/2025.
Nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét, chấp thuận nhiệm vụ dự toán các gói thầu tư vấn do nhà đầu tư trình làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bình Phước và Đắc Nông, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư; hỗ trợ các đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Tại buổi làm việc, các sở, ngành, đơn vị của 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã cùng trao đổi, làm rõ nhiều nội dung trong dự thảo thỏa thuận và các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Có ý kiến đề nghị, về lộ trình nên rút ngắn các mốc thời gian để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, bám sát các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, các nghị định, quy định của pháp luật để tiến hành.
Về tiến độ thực hiện, nên có mốc thời gian ban đầu và mốc cuối cùng để phấn đấu. Trong quá trình khảo sát, nhà đầu tư vướng mắc vấn đề nào, đề nghị gửi kiến nghị thẳng đến ngành đó để giảm bớt khâu trung gian.
Các sở, ngành, địa phương có đường cao tốc đi qua cũng cam kết sẽ đồng hành, phối hợp tích cực với nhà đầu tư để dự án sớm triển khai...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho biết: "Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành còn có hiệu quả, có ý nghĩa về mặt xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tạo hiệu ứng tinh thần, sự phấn khởi trong nhân dân. Do đó, tỉnh Đắc Nông quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Đề nghị nhà đầu tư sớm cung cấp thông tin hướng tuyến, vị trí mốc giới để triển khai các bước tiếp theo".
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đề nghị nhà đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giao cho tỉnh vào ngày 15/2/2025. UBND hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc, để hoàn thành việc thẩm định trong thời gian quy định. Liên quan đến các đề xuất của nhà đầu tư, bà Trần Tuệ Hiền sẽ có những chỉ đạo cụ thể, giải quyết khẩn trương và tốt nhất.
"Với quyết tâm "biến khát vọng, quyết tâm bằng phần việc cụ thể", lãnh đạo 2 tỉnh sẽ đôn đốc quyết liệt các sở, ngành, địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, đồng hành với nhà đầu tư để hoàn thành dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đúng tiến độ, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế của 2 tỉnh Bình Phước và Đắc Nông" - bà Hiền nói.
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Bình Phước và Đăk Nông, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên trong tương lai, giảm tải cho quốc lộ 14 - tuyến đường huyết mạch nối hai tỉnh.
Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng, bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.